Kỷ nguyên mới và kinh nghiệm từ những lần tách nhập tỉnh ở Việt Nam

(PLO)- Việt Nam đã qua nhiều lần nhập rồi tách tỉnh. Nay nghiên cứu việc nhập tỉnh thì phải chú ý đến mục tiêu ổn định lâu dài đơn vị hành chính - lãnh thổ. Như vậy mới có thể thiết kế mô hình chính quyền địa phương ổn định cho kỷ nguyên mới.

Việt NamViệt Nam24/02/2025

Kỷ nguyên mới và kinh nghiệm từ những lần tách nhập tỉnh ở Việt Nam

Bộ Chính trị mới đây đã yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh. Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV cũng đã quyết định chưa sửa đổi lớn Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP). 

Trò chuyện với báo Pháp Luật TP.HCM, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng nhìn nhận Kết luận 126 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là bước tiếp theo triển khai chủ trương lớn của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Có thể hiểu là quá trình tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18/2017 của Trung ương khóa XII.

Đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay thì thấy có sự quyết liệt nhưng cũng có cả sự thận trọng của Bộ Chính trị, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu ThắngNguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng 

“Chúng ta đã quyết liệt tinh gọn, giảm đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ bên nhánh hành pháp Chính phủ, UBND; giảm đầu mối cơ quan thuộc Quốc hội; tổ chức lại và giảm đầu mối các ban Đảng, MTTQ, đoàn thể. Đồng thời, tổ chức lại các Đảng bộ trực thuộc Trung ương cũng như ở địa phương. Và giờ thì đặt ra những bước tiếp theo, là về ĐVHC lãnh thổ và CQĐP. Tất cả cho thấy chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị để có những cải cách lớn lao, để có thể hoàn thiện mô hình của hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, mà đến nay về mặt chính trị, chúng ta đã thống nhất là kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - ông Thắng nói.

Quyền lực nhà nước là thống nhất 

. Phóng viên: Với Luật Tổ chức CQĐP, vấn đề chính quyền hai hay ba cấp, cấp nào có HĐND, UBND hoạt động theo chế độ tập thể hay chế độ thủ trưởng thì đã tạm gác lại để tiếp tục nghiên cứu. Theo ông, đặt trong bối cảnh nước ta, cần lưu ý những gì? 

+ Ông Trần Hữu Thắng: Ở đâu cũng vậy, đổi mới mô hình CQĐP là một quá trình thận trọng. Với nước ta, mỗi điều chỉnh đều phải đặt trong tổng thể cơ cấu tổ chức, nguyên lý vận hành của quốc gia, trong nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất. Không chỉ thống nhất giữa các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp mà còn thống nhất giữa Nhà nước Trung ương với CQĐP. 

Gần đây chúng ta nhấn mạnh quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” là rất đúng. Tuy nhiên, quan trọng hơn là phải xác định được địa phương được quyết cái gì. Phải rành mạch được chức năng của chính quyền các cấp. Muốn phân cấp thì phải làm rõ được trung ương có quyền gì, địa phương có quyền gì. Với HĐND thì phải thống nhất với nhau một nguyên tắc, đó là CQĐP phải gắn với dân, thực hiện quyền lực do cộng đồng dân cư địa phương giao phó. Như vậy, chính quyền cấp tỉnh phải có HĐND và chính quyền cấp cơ sở như xã phải có HĐND. 

. Còn cấp huyện thì sao, thưa ông? 

+ Sau năm 1975, thống nhất đất nước, có thời điểm chúng ta xác định huyện là pháo đài kinh tế. Kế thừa quá trình phát triển trước đó, kết hợp với chủ thuyết làm chủ tập thể, chúng ta tiếp tục mô hình chính quyền đầy đủ với HĐND, UBND và cả hệ thống công an, tòa án, kiểm sát.


tách nhập tỉnhNăm 2008, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, bốn xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) về TP Hà Nội. 

Tuy nhiên, theo thời gian, chúng ta xác định tỉnh là cấp chiến lược. Về mặt tổ chức Đảng thì tỉnh ủy là cấp ủy toàn diện. Về bộ máy chính quyền cũng đầy đủ các cơ cấu như một quốc gia thu nhỏ. Hiện nay, khi cả nước ưu tiên cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thì Trung ương giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho các tỉnh, TP, đồng thời định hướng không tổ chức cấp huyện nữa.

Vậy thì phải nghiên cứu đổi mới phương thức quản trị, quản lý nhà nước. Bao năm qua chính quyền tỉnh đã hình thành, quen thuộc với phương thức, lề lối làm việc thông qua cấp trung gian là huyện. Vậy giờ nếu không còn cấp huyện nữa thì phải xác lập được phương thức làm việc mới, tỉnh trực tiếp tới cấp xã. 

Đây là thách thức không nhỏ, chưa kể về công tác cán bộ, có thể nói ở địa phương thì phần nhiều cán bộ tỉnh được trưởng thành từ huyện. Huyện là nơi bồi dưỡng cán bộ cho địa phương. Vậy bỏ cấp huyện thì đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thế nào cũng phải tính toán…

Đô thị - không gian rộng lớn cho cải cách mô hình CQĐP

. Với cấp huyện thì đến giờ là chắc chắn bỏ công an huyện. Còn thanh tra, kiểm sát, tòa án theo Kết luận 126 của Bộ Chính trị thì sẽ nghiên cứu theo hướng bỏ cấp trung gian. Như vậy, định hướng đã tương đối rõ? 

+ Xu hướng chắc là vậy. Từ 20 năm trước, Nghị quyết 49/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã đặt ra vấn đề tòa án khu vực. Trên các lĩnh vực khác, theo thời gian cũng đã tổ chức theo khu vực như hải quan, thuế, kho bạc, ngân hàng... Ở địa phương, một số lĩnh vực như thanh tra xây dựng, đăng ký đất đai cũng tổ chức theo ngành dọc, đặt ở huyện đấy nhưng là đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn của tỉnh. 

Quá trình đô thị hóa đã hình thành nhiều đô thị mới, có dân cư tập trung, kinh tế - xã hội phát triển ở mức cao, giao thông, thông tin thuận lợi. Đây là thực tiễn rất sôi động, tạo ra không gian mới để chúng ta tiếp tục hoàn thiện mô hình CQĐP. Còn với khu vực nông thôn, tôi cho rằng cần thận trọng. 

Quá trình đô thị hóa bên cạnh mặt tích cực cũng đang khiến nhiều vùng nông thôn thêm đất rộng, người thưa. Ở đó địa bàn rộng lớn, giao thông, đi lại vẫn khó khăn. Dân trí nói chung và trình độ của cán bộ có phần còn hạn chế. Vậy có lẽ việc thực hiện mô hình chính quyền hai cấp nên có lộ trình, bước đi phù hợp… 

. Những năm qua chúng ta đã và đang sắp xếp, thu gọn ĐVHC cấp xã. Trong đó, cấp huyện thì Nghị quyết 18/2017 xác định đến năm 2030 cơ bản thu gọn. Với Kết luận 126, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu định hướng bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và định hướng sáp nhập một số ĐVHC cấp tỉnh. Vậy nên hiểu như thế nào, thưa ông?

+ Kết luận 126 như vậy gợi mở khả năng không chỉ bỏ chính quyền cấp huyện mà còn xem xét bỏ cả ĐVHC cấp huyện và giảm đầu mối tỉnh. Đây là vấn đề rất lớn cả về chính trị, pháp lý, lịch sử, chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới tâm tư, tình cảm của các cộng đồng dân cư. 

Về pháp lý, hiến pháp hiện hành vẫn kế thừa các bản hiến pháp trước đây, nêu rõ: Nước chia thành tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và TP thuộc tỉnh; TP trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và ĐVHC tương đương; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và TP thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Như vậy, riêng với việc không tổ chức ĐVHC cấp huyện đã phải nghiên cứu thật kỹ và xem xét việc sửa đổi các văn bản pháp lý nền tảng thì mới triển khai được. Theo tôi nắm được, chủ trương nhập tỉnh, giảm đầu mối cấp tỉnh, bỏ cấp huyện là có, nhưng là những định hướng ban đầu. Theo ý kiến cá nhân tôi, trình Đại hội XIV tới, thống nhất rồi sau đó mới triển khai. 

Bài học sau những lần tách, nhập tỉnh 

. Tách, nhập tỉnh ở Việt Nam không phải là mới. Với nhiệm vụ đặt ra như vậy, theo ông, quá trình nghiên cứu tới đây cần lưu ý những vấn đề gì?

+ Tổ chức các ĐVHC - lãnh thổ là một bộ phận của tổ chức cấu trúc hành chính nhà nước, thể hiện sự phân chia quyền lực giữa Nhà nước Trung ương với các cộng đồng lãnh thổ địa phương. 

Đây là vấn đề hết sức quan trọng của mỗi quốc gia. Tôi chủ trì một đề tài nghiên cứu độc lập cấp Nhà nước từ năm 2007 đến 2011 về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác lập ĐVHC các cấp. Kết quả cho thấy các nước trên thế giới thường rất tôn trọng giá trị lịch sử của từng ĐVHC - lãnh thổ, hạn chế tối đa việc thay đổi. Nhưng chúng ta thì có nhiều biến động. 

Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, chúng ta nhập hàng loạt tỉnh cũ thành 38 ĐVHC cấp tỉnh. Rất nhiều vấn đề đã xảy ra lúc đó. Nội bộ ta ở địa phương chưa thực sự thống nhất. Trình độ, năng lực của cán bộ chưa kịp đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời bình. Thể chế pháp luật còn nhiều hạn chế. Hạ tầng giao thông, thông tin gặp nhiều khó khăn…

Vậy là năm 1989 và những năm sau đó, ta lại tách ra, để rồi đến nay cả nước có 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Con số này tương đương với giai đoạn 1945-1946, cả nước có 65 tỉnh. 

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có thể không đồng tình với việc một nước nhỏ thế này mà lại có nhiều tỉnh đến thế. Nhưng không thể phủ nhận là quá trình chia tách tỉnh như vậy đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho những năm qua.

. Vậy theo thời gian, đến nay chúng ta có những điều kiện thuận lợi gì để có thể nhập tỉnh trở lại? + So với giai đoạn tách tỉnh mấy chục năm trước thì giờ chúng ta có nhiều thuận lợi để giảm đầu mối ĐVHC các cấp.

Đó là công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền đã có những thành quả tích cực, hệ thống pháp luật đã tương đối đồng bộ. Sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số cho phép đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là xây dựng chính phủ số, công dân số. Đội ngũ cán bộ đến nay đa phần được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, có thể thích ứng với những yêu cầu mới của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. 

Tuy nhiên, ĐVHC - lãnh thổ bao giờ cũng gắn với dân cư. Người dân làm chủ ở đó, có tiếng nói ở đó. Mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng dân cư có bề dày lịch sử, tập tục, truyền thống văn hóa riêng, góp phần tạo nên tính đa dạng hấp dẫn cho Việt Nam. Nghiên cứu định hướng nhập tỉnh, huyện, xã cần quan tâm đầy đủ yếu tố này. Đồng thời phải tổng kết, đánh giá quá trình chia tách, tái lập tỉnh trước đây để có thể lường trước những khó khăn, phức tạp phát sinh. 

Ngoài ra, với các nước đề cao tính ổn định của ĐVHC - lãnh thổ thì họ còn phát triển mô hình liên kết vùng, liên kết khu vực. Chẳng hạn tổ chức các cơ quan cung ứng dịch vụ công cho vài xã, huyện thay vì xã, huyện nào cũng có. Ở Việt Nam, vừa qua Bộ Chính trị đã quy hoạch sáu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL để giải quyết bài toán liên kết vùng và không gian kinh tế. Chính phủ cũng xây dựng quy hoạch cụ thể cho từng tỉnh, TP. Vậy việc sắp xếp lại ĐVHC các cấp cần tính tới thực tiễn này, giải pháp này.

Và quan trọng nhất, nghiên cứu định hướng việc nhập tỉnh, bỏ huyện, tiếp tục sắp xếp xã tới đây cần xác định mục tiêu ổn định lâu dài hệ thống ĐVHC - lãnh thổ các cấp. Trên cơ sở đó mới có thể thiết kế hệ thống bộ máy CQĐP, cơ quan hành chính các cấp một cách khoa học, đáp ứng lâu dài cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. 

. Xin cảm ơn ông.•

Ông CHU TUẤN TÚVụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ:

Cần lấy ý kiến nhân dân khi nhập tỉnh, bỏ huyện

Việc điều chỉnh địa giới hành chính là một trong những công việc hệ trọng nhất của địa phương cũng như của đất nước. Trên thế giới việc điều chỉnh các đơn vị hành chính nói chung đều được quyết định bởi ý chí, nguyện vọng người dân địa phương theo hình thức trưng cầu dân ý và được quy định trong Hiến pháp của mỗi quốc gia

Ở nước ta, Hiến pháp 2013 đã quy định rõ việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định. Do vậy, trước khi quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính cần phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi thay vì trước đây chỉ lấy ý kiến cử tri hoặc đại diện hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố liên quan đến việc điều chỉnh địa giới hành chính.

p3-chu-tuan-tu-2.jpg

Mỗi đơn vị hành chính đều gắn liền với một bộ phận dân cư nhất định, mà cuộc sống của họ được bảo đảm bởi các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên địa bàn đơn vị hành chính đó.

Bất cứ sự thay đổi nào về địa giới đơn vị hành chính đều kèm theo sự thay đổi về những điều kiện tự nhiên - xã hội nhất định, gây nên những xáo trộn, khó khăn nhất định cho người dân địa phương, tạo ra những trở ngại nhất định trong việc phục vụ nhân dân, quản lý hành chính của bộ máy chính quyền nhà nước. 

Do đó, mọi việc thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính cần phải do người dân quyết định, phải được sự đồng tình của người dân. Cần phải coi sự đồng tình, ủng hộ của người dân là vấn đề có tính nguyên tắc trong việc xác lập, điều chỉnh đơn vị hành chính. 

Điều đó cần phải được thực hiện bằng các hình thức dân chủ trực tiếp như trưng cầu ý dân, hội nghị toàn dân… để được người dân được trực tiếp quyết định theo đa số. 

*****

Những cải cách lớn nhìn từ Kết luận 126

Theo Kết luận 126, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù họp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đồng thời, đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III-2025.

Đảng ủy Công an Trung ương được giao chủ trì triển khai Đề án tổ chức Công an 3 cấp, không tổ chức công an cấp huyện, bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu, tiến độ đề ra.

Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy TAND tối cao, Đảng ủy VKSND tối cao nghiên cứu, tham mưu về mô hình cơ quan (tòa án, viện kiểm sát) theo định hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện). Cùng đó, đề xuất bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan; tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của TAND, VKSND, dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Những nội dung này báo cáo Bộ Chính trị trong quý II-2025.

plo.vn

Nguồn:https://plo.vn/ky-nguyen-moi-va-kinh-nghiem-tu-nhung-lan-tach-nhap-tinh-o-viet-nam-post835660.html



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available