Thuế đối ứng của Mỹ tác động đến thế giới ra sao?

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ14/02/2025

Ngay sau tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan ngay lập tức hành động.


Vụ ông Trump áp thuế đối ứng: loạt nước châu Á lên tiếng - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington D.C. (Mỹ) ngày 13-2 - Ảnh: REUTERS

Thuế đối ứng là gì?

Ngày 13-2 giờ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ, ra lệnh cho các quan chức bắt đầu tính toán thuế quan đối ứng để áp lên hàng hóa nhập khẩu của các đối tác thương mại toàn cầu, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, theo Hãng tin Reuters.

Theo đó, thuế quan đối ứng là loại thuế quan mà Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng để đánh vào hàng hóa nhập khẩu của một đối tác thương mại, tương xứng với mức thuế quan hiện hành đối tác này áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Mức thuế quan đối ứng ông Trump ra lệnh còn được tính dựa trên các rào cản hoặc biện pháp phi thuế quan và các hành vi của nước khác, khiến chi phí cho doanh nghiệp, người dân Mỹ tăng cao.

"Về thương mại, tôi đã quyết định vì mục đích công bằng, tôi sẽ áp thuế quan có qua có lại, nghĩa là bất kỳ quốc gia nào áp thuế đối với Mỹ, chúng tôi sẽ áp thuế đối với họ. Không nhiều hơn, không ít hơn", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 13-2.

Nhật, Hàn tìm cách ứng phó

Tại Hàn Quốc, ông Choi Sang Mok, quyền Tổng thống và là Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, ngày 14-2 cho biết nước này sẽ xem xét kỹ lưỡng các rào cản phi thuế quan và các điểm yếu khác để ứng phó với kế hoạch áp dụng thuế quan đối ứng của Mỹ, theo Hãng tin Reuters.

"Tác động của các biện pháp thuế quan đối ứng có thể không lớn đối với nền kinh tế của chúng tôi, vì mức thuế quan thấp nhờ Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc - Mỹ.

Tuy nhiên, vì Mỹ cho biết họ cũng sẽ đánh giá các rào cản phi thuế quan, bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số, nên cần phải theo dõi tình hình", ông Choi nhấn mạnh.

Ông Choi cho biết thêm Chính phủ Hàn Quốc sẽ phản ứng bằng cách xác định các lĩnh vực quan trọng mà Mỹ quan tâm và chuẩn bị tài liệu giải thích cho chính quyền Tổng thống Trump về các rào cản phi thuế quan của Hàn Quốc.

Tại Nhật Bản, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết nước này đã bắt đầu liên lạc với Mỹ sau lệnh áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Trump, theo Reuters.

"Chúng tôi đã liên lạc với phía Mỹ. Đất nước chúng tôi sẽ phản ứng một cách thích hợp trong khi xem xét cẩn thận các chi tiết cụ thể của các biện pháp sẽ được công bố trong tương lai và tác động của chúng đối với đất nước chúng tôi", ông Hayashi nói.

Ngành bán dẫn Đài Loan lo lắng

Tại Đài Loan (Trung Quốc), Reuters dẫn 2 nguồn tin thân cận cho biết lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức sẽ tổ chức một cuộc họp an ninh cấp cao vào ngày 14-2 để thảo luận về các mức thuế quan mới của Mỹ cũng như mối quan hệ giữa hai bên.

Cuộc họp hội đồng này bao gồm lãnh đạo các cơ quan cấp cao và các quan chức khác, tập trung vào lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Trump áp thuế lên chip bán dẫn nhằm giành ngành sản xuất này từ tay Đài Loan về Mỹ.

Văn phòng lãnh đạo Đài Loan từ chối bình luận, nhưng cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc họp báo lúc 11h30 ngày 14-2 sau cuộc họp của các quan chức an ninh cấp cao.

Trước đó, ông Trump đã chỉ trích Đài Loan và nói ông muốn khôi phục hoạt động sản xuất chip bán dẫn của Mỹ, theo Reuters.

"Đài Loan đã lấy mất hoạt động kinh doanh chip của chúng tôi. Chúng tôi đã có Intel. Chúng tôi có những công ty tuyệt vời đã hoạt động rất tốt và nó đã bị lấy mất khỏi chúng tôi.

Và chúng tôi muốn hoạt động kinh doanh đó quay trở lại. Chúng tôi muốn nó quay trở lại Mỹ. Nếu họ không đưa nó trở lại, chúng tôi sẽ không vui lắm", ông Trump phát biểu hôm 13-2.



Nguồn: https://tuoitre.vn/thue-doi-ung-cua-my-tac-dong-den-the-gioi-ra-sao-20250214112332494.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available