Đại hội Công đoàn khóa 13 (nhiệm kỳ 2023-2028) chọn đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, thưởng, giờ làm việc, nghỉ ngơi là một trong ba khâu đột phá.
Sáng nay, tại Hà Nội, Đại hội Công đoàn khóa 13 khai mạc với 1.100 đại biểu đại diện 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước tham dự. Trong ba ngày, các đại biểu sẽ đánh giá toàn diện việc thực hiện nghị quyết Đại hội Công đoàn khóa 12 (2018-2023), cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, công đoàn.
Đại hội cũng kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động khóa 12; đề ra mục tiêu 5 năm tới; bổ sung Điều lệ công đoàn, bầu Ban Chấp hành Tổng liên đoàn khóa mới.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động, hậu đại dịch Covid-19, chiến tranh, tổng cầu thế giới sụt giảm, tác động tới mọi mặt đời sống lao động. Vì thế, Đại hội chọn đột phá vào ba khâu là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng nhiệm vụ, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Trong thời gian đại hội, Công đoàn đã lập 10 diễn đàn, thảo luận về nội dung thúc đẩy đối thoại, thương lượng thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc; đảm bảo an ninh trong công nhân; xây dựng mô hình tự quản trong công nhân lao động ở các khu công nghiệp.
Công đoàn Việt Nam là một trong ba bên tham gia đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu vùng của Hội đồng tiền lương quốc gia mỗi kỳ. Trong 5 năm qua, Công đoàn thương lượng, nâng mức lương tối thiểu vùng tăng 25,34%; nỗ lực kìm giảm 55% các cuộc ngừng việc tập thể, từ 1.619 cuộc giai đoạn 2013-2018 xuống 724 cuộc, giữ quan hệ lao động hài hòa.
Hồng Chiêu