Giới chức Mỹ công khai nhiệm vụ khiến hai đặc nhiệm SEAL thiệt mạng tháng trước gần Somalia là để ngăn chặn tàu “vận chuyển vũ khí Iran”.
Thông tin về chiến dịch khiến hai đặc nhiệm hải quân Mỹ (SEAL) thiệt mạng ngoài khơi Somalia vào tháng trước đã được công khai vào ngày 22/2, sau khi tòa án Mỹ cho giải mật hồ sơ truy tố 4 nghi phạm bị bắt trong nhiệm vụ này. Theo hồ sơ, tất cả nghi phạm đều mang hộ chiếu Pakistan và có mặt trên con tàu đang chuyển đến lực lượng Houthi tại Yemen một số linh kiện tên lửa do Iran chế tạo.
Các công tố viên cho biết cuộc chặn tàu diễn ra vào đêm 11/1 trên Biển Arab, trong khu vực gần bờ biển Somalia. Hai đặc nhiệm SEAL thiệt mạng khi làm nhiệm vụ gồm Christopher J. Chambers và Nathan Gage Ingram.
Khi các đặc nhiệm đang từ xuồng tác chiến đổ bộ lên tàu tình nghi, Chambers trượt chân do sóng đánh vào thân tàu và rơi xuống biển. Ingram nhảy xuống biển tìm cách cứu đồng đội, song cả hai người sau đó đều mất tích.
“Hai đặc nhiệm SEAL của hải quân đã thiệt mạng trong chiến dịch, ngăn chặn các bị cáo vận chuyển trái phép vũ khí do Iran sản xuất. Nếu số vũ khí này đến tay lực lượng Houthi, họ sẽ nhắm vào lực lượng Mỹ và đe dọa tự do hàng hải cùng tuyến giao thương huyết mạch”, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Lisa Monaco nhận định.
Bà Monaco đồng thời cảnh báo “dòng chảy tên lửa và vũ khí tân tiến” từ Iran đến lực lượng Houthi tại Yemen đang đe dọa người dân và lợi ích của Mỹ cùng các đối tác trong khu vực.
Theo hồ sơ truy tố, hải quân Mỹ phát hiện 14 người trên tàu chở vũ khí đêm 11/1 ngoài khơi Somali. Họ còn tìm thấy nhiều linh kiện dành cho tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình diệt hạm. Toàn bộ thủy thủ đoàn trên tàu tình nghi được đưa về chiến hạm USS Lewis B. Puller, sau đó chuyển đến bang Virginia của Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ sau đó truy tố 4 người trong nhóm nghi phạm, gồm Muhammad Pahlawan, Mohammad Mazhar, Ghufran Ullah và Izhar Muhammad đều mang căn cước Pakistan. Pahlawan bị cáo buộc chủ mưu buôn lậu linh kiện tên lửa tối tân và khai báo gian dối với tuần duyên Mỹ trong quá trình kiểm tra tàu.
10 thủy thủ còn lại trên tàu chở vũ khí tiếp tục bị giữ lại Mỹ làm nhân chứng vụ án. Một số thủy thủ khai với Cục Điều tra Liên bang (FBI) rằng con tàu khởi hành từ Iran, nhưng cũng có người khẳng định tàu xuất phát từ Pakistan.
Một số thủy thủ cho biết thành viên trên tàu thường xuyên liên lạc với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran.
Tehran chưa bình luận về các thông tin do giới chức Mỹ công bố. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland nhấn mạnh cơ quan của mình sẽ “sử dụng mọi thẩm quyền pháp luật” để xử lý mọi cá nhân tiếp tay đưa vũ khí từ Iran đến lực lượng Houthi, tổ chức Hamas và những nhóm vũ trang nào có thể đe dọa an ninh của Mỹ lẫn các nước đồng minh.
Thanh Danh (Theo AP)