Khi cố gắng không được, buông xuôi không xong, trào lưu “sống 45 độ” đang ngày càng phổ biến trong người trẻ ở đất nước tỷ dân.
Ban đầu, nhiều người dùng mạng trẻ dùng “trạng thái 45 độ” để chế nhạo bản thân. Họ so sánh cuộc đời với một góc vuông 90 độ, hướng lên trên thể hiện sự phấn đấu mãnh liệt, “nằm phẳng” về 0 độ là buông xuôi, lười biếng, “mặc kệ sự đời” và 45 độ là khó chịu nhất khi bị mắc kẹt ở giữa, “đứng thẳng không được, nằm phẳng không xong”. Nó chỉ những thanh niên không hài lòng với thực tại, phủ nhận sự đấu tranh của bản thân và thất vọng với triển vọng tương lai.
“Tôi ghét sự suy thoái nhưng không thoát được, vì vậy giữa hai trạng thái 90 độ – phấn đấu hết sức và 0 độ – buông xuôi hoàn toàn, tôi chọn cách đối mặt với cuộc sống bằng trạng thái lưng chừng 45 độ”, Kevin, 25 tuổi, ở Phúc Kiến nói.
Hai năm nay, Kevin cố gắng tìm việc nhưng không thành công. Anh nhận ra chỉ có bằng đại học là không đủ trừ khi tốt nghiệp một trường danh tiếng. Chàng trai quyết định thi cao học. “Tôi không muốn là kẻ tầm thường, tôi muốn chứng minh năng lực nhưng không có cơ hội nên đi học tiếp là một cách cầm cự, thỏa hiệp”, Kevin nói.
Có nhiều bạn bè cũng đang thi sau đại học như Kevin, hoặc cũng có những bạn tìm được việc nhưng lương chỉ 3.000 tệ (khoảng 10 triệu đồng), không đủ sống nhưng họ duy trì trạng thái “lưng chừng” vì miếng cơm manh áo.
Kể từ mùa hè 2023 đến nay, chủ đề “Bạn có phải là thanh niên 45 độ?” và “Cách đối mặt với cuộc sống 45 độ” nhiều lần trở thành “hot search” (được tìm kiếm nhiều nhất) và tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi.
Khảo sát phát triển thanh niên của Đại học Nhân dân Trung Quốc cuối năm 2023 cho thấy 28,5% thanh niên sống “45 độ”, 12,8% nằm phẳng và 58,7% sống 90 độ.
Khảo sát kết luận “không nhìn thấy hy vọng và tương lai” có lẽ chính là lý do khiến giới trẻ Trung Quốc từ 90 độ sang 45 độ, rồi cuối cùng thành 0 độ. Nguyên nhân chính là sau đại dịch môi trường kinh tế không tốt, tình hình tài chính sa sút, cơ hội việc làm giảm sút.
Trong danh sách công chức được công bố mới đây ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, có một công việc “quản lý đô thị” không được biên chế mà người được nhận là tiến sĩ vật lý hạt nhân tại Đại học Bắc Kinh tạo ra làn sóng tranh cãi trong dư luận. Một thị trấn nhỏ ở Toại xương (Lệ Thủy, Chiết Giang ) muốn tuyển dụng 24 vị trí, nhưng đã có sự cạnh tranh gay gắt với các ứng viên đều là tiến sĩ và thạc sĩ của Đại học Phúc Đán và Đại học Chiết Giang – những đại học top đầu của Trung Quốc.
Không chỉ phải đối mặt với khó khăn trong tìm việc mà thanh niên Trung Quốc còn phải đối mặt với sự phân bổ nguồn lực không công bằng khiến họ mất đi động lực làm việc. Ngày 18/1, mạng xã hội nước này lan truyền câu chuyện một chàng trai tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Tây Bắc (tỉnh Thiểm Tây) được nhận vào vị trí giáo viên lịch sử tại trường trung học cơ sở Anfeng, thành phố Đông Đài, tỉnh Giang Tô nhưng chưa đầy nửa năm bị sa thải. Vụ việc này đã gây ra làn sóng tranh cãi rộng rãi, dư luận đồn đoán rất có thể là do người khác có hậu thuẫn hơn thế chỗ.
Liu, một nhân viên truyền thông ở Quảng Châu, cho biết khái niệm “thanh niên 45 độ” gây được tiếng vang trong xã hội Trung Quốc vì nó phản ánh sự đánh mất mục tiêu sống của giới trẻ đương đại. Một mặt, họ hy vọng mình nổi bật trong đám đông; mặt khác thực sự không thể đương đầu với cường độ cạnh tranh cao và bất công xã hội, nên họ chỉ đơn giản lựa chọn giữa hai thái cực là “nằm ngửa và đứng thẳng”.
Mặt khác, văn hóa truyền thống Trung Quốc và kỳ vọng của gia đình đặt ra yêu cầu cao về thành tích cá nhân, đồng thời dưới áp lực kinh tế, giá nhà đất tăng cao và các yếu tố khách quan khác, khiến người trẻ khó có thể từ bỏ hoàn toàn sự cạnh tranh và theo đuổi. Đặc biệt những người sinh ra sau năm 2000 không có đủ nguồn lực hoặc trạng thái tinh thần để có thể “nằm” hoàn toàn nên dù muốn cũng không thể “nằm”.
Tiến sĩ Xu Quan, Đại học Hong Kong cho biết “cuộc sống 45 độ” thực sự là tình trạng mà giới trẻ trong xã hội Trung Quốc đang cảm thấy bơ vơ. Tình trạng này hơi giống với nỗi lo lắng của nhiều người trẻ ở châu Âu trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản công nghiệp trỗi dậy, họ không tìm được vị trí và tọa độ của mình trong thời đại mới.
Ước mơ của giới trẻ Trung Quốc cơ bản xuất phát từ cải cách và mở cửa. Nền kinh tế trước đây đã mang lại cho họ niềm hy vọng về kiếm tiền và nghĩ rằng nếu chịu khó sẽ có cơ hội thăng tiến. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi tình thế hoàn toàn thay đổi, sự phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc thì tâm lý dám nghĩ dám làm trước đây đã chuyển thành tâm lý bảo thủ, cố giữ việc làm, cuộc đấu tranh của thanh niên cũng đã thay đổi.
“Nhóm người 45 độ này đã chuyển hóa từ 90 độ vì họ đã nhận ra hiện thực: có phấn đấu cũng vô ích”, tiến sĩ Xu nói.
“Sự chuyển tiếp từ 90 xuống 45 độ thể hiện sự phủ nhận khả năng phấn đấu của người trẻ và sự thất vọng về triển vọng cá nhân của bản thân; nhưng đi từ 45 độ xuống 0 độ là sự thất vọng của toàn xã hội và đất nước”, Xu nói.
Phó giáo sư xã hội học Xia Zhuzhi, Đại học Vũ Hán, cho rằng sự ra đời và phổ biến của những từ mới có thể tương ứng với một thực tế nhất định. Trạng thái bất định “45 độ” không có đường lên hay xuống, chỉ ở giữa, khiến ông nhớ đến khái niệm “tầng lớp trung lưu”, nó chủ yếu đề cập đến những người lao động cổ trắng làm việc tại các thành phố. Những bạn trẻ mới ra trường, mới gia nhập nhóm này thường phải chịu rất nhiều áp lực mua nhà, mua ôtô, cho con học ở những trường tốt nhất.
Xia Zhuzhi cho rằng, trong thực tế xã hội hiện nay, tinh thần của con người rất dễ rơi vào trạng thái kiệt sức, muốn đứng không được, muốn nằm không xong. Nhưng ông tin rằng ngoài việc hiểu những ngôn ngữ mới, giới trẻ cũng cần cảnh giác. Khi một từ ra đời, trở thành xu hướng và được nhắc quá nhiều, nó rất dễ hình thành bẫy diễn ngôn.
Dù là “đứng thẳng”, “nằm phẳng” hay “sống 45 độ”, thực ra đây đều là những nhãn tâm lý mà dư luận gán cho xã hội. “Sự xuất hiện của từ mới có thể giúp chúng ta hiểu bản thân và xã hội. Nhưng khi bắt đầu áp dụng cho bản thân hoặc sau khi đã có khái niệm này trong đầu, chúng ta phải luôn cảnh giác và hiểu rõ về nó”, Xia nói.
Bảo Nhiên (Theo Worldjournal)