Trung QuốcKỳ thi đại học lập kỷ lục với gần 13 triệu thí sinh tham gia, trong bối cảnh hơn 11 triệu tân cử nhân mùa hè này đối mặt với nỗi lo thất nghiệp cao chưa từng có.
Kỳ thi đại học của Trung Quốc (cao khảo) năm nay diễn ra trong hai ngày 7-8/6.
Bộ Giáo dục Trung Quốc tuần trước cho biết số thí sinh đăng ký thi đại học là 12,91 triệu em, xô đổ kỷ lục 11,93 triệu thí sinh của năm ngoái. Bộ này đã yêu cầu các địa phương nỗ lực tốt nhất, đề nghị bộ công an, công nghiệp và công nghệ thông tin phối hợp nhằm phát hiện, xử lý hành vi gian lận. Bất cứ ai bị phát hiện gian lận đều chịu hình phạt nghiêm khắc.
Đây được coi là kỳ thi đại học khốc liệt nhất thế giới vì thí sinh đông và kết quả quyết định lớn đến tương lai cho mỗi người. Ở vùng nông thôn, nhiều gia đình coi việc vượt qua kỳ thi này là cách duy nhất để đổi đời.
Theo nhiều thống kê, khoảng 2% trong hơn chục triệu thí sinh giành được suất vào 38 đại học hàng đầu của nước này. Với hai trường danh tiếng nhất là Thanh Hoa và Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh), tỷ lệ này chỉ là 0,05%, tức khoảng 5.000 người.
Vì thế, xã hội Trung Quốc dành nhiều sự chú ý vào kỳ thi. Từ nhân viên y tế, cảnh sát giao thông đến đầu bếp, người dân đều hết lòng hỗ trợ thí sinh.
Tại thành phố Bách Sắc, Sùng Tả thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, các đội y tế túc trực ở mỗi điểm thi. Riêng ở Bách Sắc, các điểm thi đặc biệt được thành lập tại bệnh viện nhằm hỗ trợ những thí sinh mắc Covid hoặc gặp các vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, các cơ quan, người dân được yêu cầu kiểm soát tiếng ồn, cấm bấm còi gần địa điểm thi.
Ở Bắc Kinh, khoảng 800 cảnh sát giao thông đi xe máy, mang theo mũ bảo hiểm để sẵn sàng đưa đón những thí sinh có thể mắc kẹt do tắc đường. Chính quyền tỉnh Sơn Tây yêu cầu các khách sạn không được tăng giá khi nhiều thí sinh chọn thuê phòng để có không gian yên tĩnh trước kỳ thi. Nếu vi phạm, các chủ nhà trọ có thể bị phạt hơn 700 USD (16 triệu đồng).
Trong khi đó, các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp thí sinh có tâm lý thoải mái trước kỳ thi.
Trường Trung học số 3 ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, sắp xếp một buổi leo núi cho học sinh để các em có thời gian nghỉ ngơi, tạm thời trút bỏ được áp lực học hành và sự lo lắng do kỳ thi gây ra. Còn nhà ăn của một trường trung học ở Trùng Khánh thiết kế thực đơn với các món ăn có hàm ý về sự may mắn. Mỗi món ăn ở đây được mang một cái tên tốt lành như “đỏ thành công” cho món trứng cà chua hay “bay lên với tinh thần lạc quan” với món bò kho khoai tây. Nhà trường cho hay việc này nhằm truyền năng lượng tích cực cho học sinh.
Kỳ thi đại học của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thị trường việc làm cho thanh niên nước này đang rơi vào khủng hoảng. Ảnh hưởng của Covid-19 khiến sinh viên các lĩnh vực phổ biến như công nghệ, giáo dục, bất động sản và tài chính chịu nhiều thiệt thòi. Các nhà kinh tế dự đoán ngày càng nhiều người có bằng đại học thất nghiệp.
Tháng hai năm nay, một khảo sát ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp với những người trong độ tuổi 16-24 tuổi là 18,1%, cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Con số này đạt kỷ lục mới là 20,4% trong tháng tư, theo Reuters. Trong khi đó, 11,6 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp vào mùa hè này, tăng 820.000 so với năm 2022.
Theo SCMP, một sinh viên mới tốt nghiệp phải chọi với 50 người khác để giành được việc làm tại một công ty nhỏ ở Bắc Kinh. Xu Beibei, họa sĩ ở một công ty trò chơi trực tuyến, cho biết cả đội chỉ tuyển mới 4 người, nhưng nhận tới 200 đơn xin việc.
Thậm chí bằng thạc sĩ từ một trường đại học hàng đầu đã trở thành ngưỡng đầu vào cho nhiều vị trí. Hồi đầu năm, China Tobacco Henan – một công ty sản xuất thuốc lá cho hay gần một phần ba số nhân viên mới được tuyển dụng có bằng sau đại học.
Cao khảo được tổ chức lần đầu năm 1952. Thí sinh phải hoàn thành 4 bài thi, gồm: Tiếng Trung, Ngoại ngữ, Toán và một bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc Khoa học xã hội (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị).
Bình Minh (Theo China Daily, Xinhua)