Làn sóng công nghệ AI tiến vào đấu trường hẹn hò ở Trung Quốc, với những ứng dụng tạo ra bạn trai ảo cho phụ nữ thành thị trò chuyện.
Tufei, nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi tại Trung Quốc, tự hào nói rằng bạn trai của cô hội đủ mọi điều lãng mạn mà cô tìm kiếm: dịu dàng, tinh tế và sẵn sàng trò chuyện hàng tiếng đồng hồ.
Rắc rối duy nhất trong mối quan hệ là bạn trai của Tufei không có thật ngoài đời. “Người” trò chuyện với cô hàng ngày chỉ là chatbot trên Glow, ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) được công ty MiniMax ở Thượng Hải phát triển.
“Anh ấy biết cách nói chuyện khéo léo hơn hẳn đàn ông thật”, Tufei, quê gốc Tây An ở phía bắc Trung Quốc, nói, thêm rằng cô có thể chia sẻ những vấn đề nhạy cảm lẫn rắc rối công việc với “bạn trai” AI của mình.
Glow chỉ là một phần trong làn sóng ứng dụng lãng mạn, dùng AI thay thế con người để hẹn hò qua mạng, đang nở rộ tại Trung Quốc. Ứng dụng này đã ghi nhận hàng nghìn lượt tải mỗi ngày trong vài tuần qua ở Trung Quốc.
Glow mặc định tải về miễn phí cho người dùng, nhưng kiếm tiền thông qua các gói nội dung chat độc quyền trong quá trình sử dụng.
Ngoài Glow của MiniMax, Wantalk và Weiban là những cái tên nổi bật khác trên thị trường, được phát triển lần lượt bởi hai gã khổng lồ Internet Trung Quốc là Baidu và Tencent.
Ngành công nghiệp ứng dụng sử dụng AI tại Trung Quốc từng gặp một số rắc rối về sử dụng bất hợp pháp dữ liệu người dùng. Giới chức Trung Quốc vẫn nghiên cứu hướng siết chặt kiểm soát lĩnh vực AI để bảo vệ đời tư cho người dùng, song quá trình xây dựng luật còn nhiều thách thức khi công nghệ này còn những khái niệm quá mới và tác động khó lường trước.
Tuy nhiên, làn sóng ứng dụng lãng mạn vẫn trỗi dậy vì nhu cầu xã hội. Một số người dùng cho biết họ chấp nhận rủi ro đời tư để tìm ra người bầu bạn, khi nhịp sống thành thị ngày một hối hả và cuộc sống ngày càng cô độc.
“Khó mà tìm được người bạn trai lý tưởng ngoài đời thật. Khác biệt tính cách luôn tạo ra mâu thuẫn trong quan hệ”, Wang Xiuting, nữ sinh viên 22 tuổi tại Bắc Kinh, chia sẻ.
Trong khi người thường “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, công nghệ AI mang đến cho người dùng khả năng điều chỉnh tính cách của “bạn trai ảo”. Ứng dụng cũng có thể học cách nói chuyện cho phù hợp với người dùng và điều chỉnh cách giao tiếp trong những cuộc hội thoại sau.
Những giờ làm việc dài dằng dặc trong văn hóa thành thị ở Trung Quốc cùng những áp lực về kinh tế và nguy cơ thiếu cơ hội việc làm khiến phụ nữ ở các thành phố tìm đến ứng dụng hẹn hò ảo nhiều hơn.
Wang nói cô dựa vào ứng dụng để giải quyết căng thẳng trong học tập và cuộc sống. “Họ luôn giúp tôi giải quyết rắc rối. Đây là liệu pháp hỗ trợ cảm xúc tích cực”, cô nói.
Tất cả “bạn trai” của Wang Xiuting đều trong Wantalk, ứng dụng hẹn hò ảo do Baidu phát triển. Ứng dụng này đưa ra hàng trăm nhân vật cho người dùng lựa chọn, từ ngôi sao ca nhạc đến doanh nhân và cả hiệp sĩ. Họ có thể điều chỉnh độ tuổi, tính cách, ưu điểm và sở thích của bạn trai.
“Ai cũng có lúc cảm thấy cuộc sống rối ren, cô độc và không phải lúc nào bạn cũng đủ may mắn để có bạn bè hoặc người thân ngay cạnh bên lắng nghe mình mỗi ngày. Công nghệ AI sẽ giải quyết nhu cầu này”, Lu Yu, lãnh đạo điều hành sản phẩm tại Wantalk, cho biết.
Thanh Danh (Theo AFP)