Giấc mơ vào trường Y hoặc Công nghệ khiến học sinh đổ về các lò luyện, học 18 tiếng mỗi ngày với tâm thế “hoặc có tất cả, hoặc trắng tay”.
Pratibha Dattri, 16 tuổi, hiện đều đặn đến một lò luyện thi nội trú tại thành phố Kota, thủ phủ của ngành “công nghiệp luyện thi”, với mong muốn đỗ trường Y vào năm sau. Hàng ngày, em học đến khuya, trên tường dán khẩu hiệu “Nếu bạn ngủ, bạn sẽ có một giấc mơ, nếu bạn thức, bạn sẽ sống với giấc mơ của bạn”.
“Điều quan trọng nhất với em là học được bao nhiêu”, Dattri nói.
Shree Kumar Verma, 19 tuổi, cũng đang ôn thi vào trường Y tại Học viện hướng nghiệp Allen, “lò luyện thi” lớn nhất ở Kota. Em nói nhìn đâu cũng thấy các bạn đồng trang lứa miệt mài ôn luyện.
“Việc trở thành bác sĩ hay kỹ sư là ước mơ cả đời của tất cả chúng em”, Verma chia sẻ.
Tại Ấn Độ, Y khoa và Khoa học, Kỹ thuật là các ngành học mơ ước của thí sinh và gia đình các em. Năm 2023, hơn hai triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường Y, nhưng chỉ tiêu chỉ 140.000. Tương tự, hơn một triệu học sinh đăng ký vào các Học viện công nghệ (IIT), nhưng chỉ 10.000 em trúng tuyển, tỷ lệ được chấp nhận là 1%.
Để vào được các trường này, thí sinh phải trải qua kỳ thi chuyên biệt. NEET là kỳ thi dành tuyển sinh ngành Y khoa và Nha khoa, còn IIT-JEE cho các học sinh muốn theo đuổi ngành Khoa học, Công nghệ ở 23 học viện IIT trên toàn quốc.
Kỳ thi NEET diễn ra vào tháng 5, kéo dài 200 phút với 200 câu hỏi trắc nghiệm, gồm 100 câu Sinh học, 50 câu Vật lý và 50 câu Hóa học, tổng điểm là 720. Bài IIT-JEE gồm ba môn Toán, Lý và Hóa, chia thành phần chung và phần nâng cao. Trong đó, phần chung với 90 câu trắc nghiệm diễn ra vào tháng 1, phần nâng cao với 108 câu trắc nghiệm kết hợp tự luận (396 điểm) thi vào tháng 4.
Tại Kota, mỗi năm có khoảng 300.000 học sinh đến các lò luyện thi nội trú. Sĩ số các lớp thường rất đông, từ 100 đến 300 người, được giảng dạy bởi các giảng viên tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng. Học phí ở đây khoảng 150.000 rupee (43,8 triệu đồng) một năm, và chi phí cho sinh hoạt, ăn ở là 30.000 rupee (8,8 triệu đồng) mỗi tháng.
Để vừa ôn thi, vừa đảm bảo việc học trên trường, các học sinh này phải học đến 18 tiếng mỗi ngày, kéo dài bảy ngày trong tuần. Cứ mỗi hai tuần, học sinh ở các lò luyện thi phải làm bài thi thử, điểm sẽ được xếp hạng công khai.
“Em không có thời gian cho bạn bè và tiếp xúc với xã hội. Sách là bạn của em”, Rani Kumari, 22 tuổi, người đang ôn thi vào một trường Y, nói.
Nhiều học sinh vì quá áp lực đã tìm đến Đền thờ Radha Krishna. Trên tường của ngôi đền dày đặc các dòng chữ: “Xin hãy cho con thành công”, “Xin Thánh làm ơn hãy ở bên con, giúp con làm bố mẹ hạnh phúc”, “Hãy giúp con vượt qua kỳ thi năm 2024″… Thầy tu Pandit Radhe Shyam cho biết ông phải quét vôi các bức tường hai tuần một lần để có thêm chỗ trống.
Khi điểm thi được công bố, các thủ khoa toàn quốc không khác gì người nổi tiếng, được dán ảnh ở khắp các bảng quảng cáo lớn và được các đại học trao tiền thưởng trị giá 100.000 rupee, khoảng 29,2 triệu đồng.
Ngoài trường Y, Ravinder Kaur, giáo sư xã hội học tại IIT Delhi, cho biết đối với nhiều người, vào được IIT là khao khát lớn nhất. Theo dữ liệu từ công ty phân tích Tracxn, trong 108 kỳ lân – các doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, có 68 công ty được thành lập bởi ít nhất một sinh viên tốt nghiệp IIT. Đây cũng là nơi sản sinh ra hàng loạt CEO (giám đốc điều hành) đình đám trên thế giới. Đó là Sundar Pichai của Google, Satya Narayana Nadella ở Microsoft hay Arvind Krishna, giám đốc điều hành IBM.
“Bất cứ điều gì xảy ra ở IIT đều trở thành tin tức hàng đầu. IIT trở thành hình tượng của các bậc cha mẹ Ấn Độ. Mọi tầng lớp trung lưu đều muốn con mình đỗ vào IIT”, ông nói.
Tuy nhiên, áp lực học hành cũng khiến nhiều học sinh gặp vấn đề tâm lý. Từ đầu năm đến nay, 27 học sinh tự sát ở các lò luyện thi vì học quá nhiều. Các bác sĩ nhìn nhận áp lực lớn nhất với các em đến từ phía gia đình. Việc có một bác sĩ hoặc kỹ sư trong nhà từ lâu đã được coi trọng ở Ấn Độ và nhiều bậc cha mẹ coi Kota là con đường để biến điều này thành hiện thực.
“Họ thường nói với con rằng phải đỗ bằng bất cứ giá nào. Nhiều phụ huynh không bao giờ chấp nhận thất bại của con mình. Vì thế, mọi thứ trong cuộc sống của những đứa trẻ đều xoay quanh điểm số”, Tiến sĩ Neena Vijayvargiya, một bác sĩ tâm lý ở Kota, cho biết.
Dattri nói kỳ thi đại học là sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng em tin tưởng vào bản thân và sẽ cố gắng hết sức.
“Ở Kota sẽ mang lại cho em thành công hoặc khiến em thất vọng hoàn toàn. Một là có tất cả, hai là tay trắng”, Verma bày tỏ.
Doãn Hùng (the Guardian, THE, NHK)