Trước thông tin nhiều thí sinh tham gia các “lò” luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ở nhiều nơi, ông Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội – nhấn mạnh ôn thi là việc cần thiết, bất cứ một kỳ thi nào thí sinh cũng cần phải có kế hoạch ôn thi nghiêm túc. Thế nhưng việc luyện thi sẽ chỉ phù hợp với những bài thi tủ, những bài thi có 1-2 đề.
Còn đối với những bài thi có tính chuẩn hóa như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, cách ra đề thi và số lượng câu hỏi sẽ bám vào chuẩn đầu ra của chương trình THPT, không tuyên bố giới hạn phần nào, không lược bỏ phần nào.
Bài thi chỉ phân theo tỉ lệ cơ cấu, với lớp 12 là 70%, lớp 11 là 20% và 10% lớp 10. Bài thi đảm bảo cơ cấu, đảm bảo ma trận, tỉ lệ xuất hiện trong đề thi. Do vậy, nếu thí sinh luyện thi hoặc học lệch, học tủ sẽ khó đáp ứng được với những bài thi chuẩn hóa.
“Việc luyện thi mang tính may rủi rất cao, lần này thí sinh có thể làm được bài nhưng lần sau có thể không làm được; thí sinh này có thể làm được bài nhưng thí sinh khác lại không.
Bài thi đánh giá năng lực không có công thức chung cho tất cả thí sinh, trong khi hầu hết những người đi luyện thi đều học một công thức chung, học một dạng chung, học mẫu chung”, ông Thảo lý giải.
Ông Thảo khuyên thí sinh hãy dành thời gian ôn tập, hệ thống hóa lại kiến thức. Bài thi tham khảo, cấu trúc đề, đề cương chi tiết của các bài thi đánh giá năng lực đều đã công bố, thí sinh ít nhất phải đọc qua, xem trong đó phần nào còn yếu để đẩy mạnh ôn tập.
“Thí sinh hãy dành thời gian tập trung ôn tập tốt, thực hiện thi một lần điểm cao, thi nhiều lần không thay đổi điểm, chỉ giải quyết vấn đề tâm lý. Khi thí sinh có tâm lý lần thứ nhất thi thử, lần thứ hai thi thật thì có khi điểm còn thấp hơn nếu lần thứ nhất quyết tâm thi thật luôn”, ông Thảo nói.
Ngoài ra có nhiều thí sinh vội vàng đăng ký dự thi mà chưa tìm hiểu về bài thi đánh giá năng lực. Theo ông Thảo, đây là một thiếu sót, thí sinh cần phải xem lại.
Ông Thảo khuyên thí sinh khi muốn dự thi một kỳ thi nào đó, phải tìm hiểu kỹ cấu trúc của bài thi, cách đặt câu hỏi, bài thi hỏi những nội dung nào, đánh giá năng lực ra sao… từ đó mới có thể chủ động ôn luyện đạt kết quả cao.
Đừng bỏ qua các phương thức xét tuyển khác
Năm 2024, có khoảng 90 cơ sở giáo dục đại học sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển đại học, trong đó năm nay là năm đầu tiên 17 trường quân đội sử dụng kết quả bài thi này.
Theo ông Thảo, tỉ lệ các trường đại học sử dụng bài thi HSA để xét tuyển đại học tăng khoảng 20 trường so với năm ngoái, nhưng tỉ lệ xét tuyển theo phương thức đánh giá năng lực của các trường sẽ có sự khác nhau, có trường dành 5%, 10%, hay 30%…
“Phần lớn các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy vẫn dành một tỉ lệ tương đối lớn cho bài thi tốt nghiệp THPT.
Tỉ lệ trúng tuyển khi xét tuyển bài thi tốt nghiệp THPT hằng năm rất là cao, do đó thí sinh cần lưu ý, tránh chỉ tập trung cho bài thi đánh giá năng lực mà bỏ qua những phương thức xét tuyển khác, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển”, ông Thảo nói.