Công đoàn Việt Nam đề xuất các cấp nghiên cứu giảm giờ làm việc của lao động trong doanh nghiệp dưới 48 giờ mỗi tuần, tiến tới 40 giờ, bằng với khu vực nhà nước.
Tám kiến nghị của người lao động cả nước được Công đoàn Việt Nam tập hợp, chuyển tới lãnh đạo cấp cao tại Đại hội công đoàn lần thứ 13, ngày 3/12.
Công đoàn dẫn nội dung Nghị quyết 101 của Quốc hội ban hành năm 2019, “giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 tiếng mỗi tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp”.
Tổ chức này kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng các bộ ngành sớm nghiên cứu giảm giờ làm của lao động, đảm bảo công bằng với khu vực hành chính nhà nước (40 giờ). Mục tiêu để lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lực, chăm lo cho gia đình.
Luật hiện hành quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 tiếng mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Tại thảo luận tổ một ngày trước, ông Đặng Tuấn Vũ, Chủ tịch công đoàn Công ty Changshin, doanh nghiệp sử dụng 37.000 lao động, đông nhất Đồng Nai, nói lộ trình giảm giờ làm việc tiến tới 40 giờ mỗi tuần là mong mỏi của nhiều công nhân. Những năm 2015, tiền lương ngày được luật điều chỉnh dần sang nhận lương tháng, lao động trông chờ được giảm giờ làm việc để cuối tuần được nghỉ ngơi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy.
“Tôi biết kiến nghị này không mới, nhưng vẫn mong các cấp ngành quan tâm hơn tới sức khỏe người lao động, ngoài tăng lương tối thiểu vùng”, ông nói.
Trên nghị trường Quốc hội cuối tháng 10, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (chuyên trách Ủy ban Xã hội) cũng nêu ý kiến tương tự. Ông dẫn sắc lệnh năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định thời hạn làm việc không quá 48 giờ mỗi tuần và làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ.
Theo ông Nghĩa, đất nước đạt nhiều thành tựu sau hơn tám thập kỷ, nhưng giờ làm việc của lao động khu vực tư không giảm trong khi làm thêm tăng gấp ba. Từ năm 1999, công chức viên chức nhà nước làm việc 40 giờ mỗi tuần, trong khi khối doanh nghiệp giữ nguyên 48 tiếng sau nhiều lần sửa đổi Bộ luật Lao động.
Thống kê của Cục An toàn lao động năm 2019, Việt Nam có số giờ làm việc thuộc nhóm cao ở Đông Nam Á, trong khi ngày nghỉ lễ thuộc nhóm thấp nhất. Cụ thể, tính riêng thời gian làm việc trong năm của người Việt khoảng 2.320 giờ, thấp hơn Philippines, Malaysia, Thái Lan và cao hơn Singapore, Indonesia, Lào và Campuchia.
Việt Nam có 12 ngày nghỉ phép khởi điểm, thuộc nhóm trung bình, thấp hơn Lào, Campuchia, Indonesia và cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines. Nghỉ lễ Tết của Việt Nam 11 ngày, bằng với Singapore nhưng thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á.
Ngoài giảm giờ làm, Công đoàn Việt Nam còn kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh, từ 2 đến 5/9 hàng năm để công nhân có cơ hội đưa con tới trường trong ngày khai giảng.
Khảo sát trực tuyến của VnExpress trên hơn 7.000 lượt bình chọn, cho kết quả 76% độc giả đồng tình nghỉ thêm 2 ngày dịp Quốc khánh, 4% không đồng tình và 20% cho rằng nên bố trí thêm 2 ngày vào dịp Tết.
Tổ chức này đồng thời kiến nghị khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 cần quy định mỗi năm người sử dụng lao động dành ít nhất một ngày để người lao động được học tập chính trị, pháp luật, khuyến khích các đơn vị thương lượng để có nhiều hơn một ngày.
Hồng Chiêu