Việc giảm giờ làm việc cần được thử nghiệm tại các doanh nghiệp lớn, trước khi mở rộng, tạo thành phong trào, chứng minh cho người sử dụng lao động thấy lợi ích của giảm giờ làm như tăng năng suất lao động, thêm thời gian tái tạo sức lao động…
Đó là khuyến cáo của một số chuyên gia khi trao đổi về đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần.
Dù đã có nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang áp dụng làm việc 44 giờ/tuần, nhưng theo các chuyên gia, việc mở rộng giảm giờ làm này cần có lộ trình, tránh gây sốc.
Lộ trình nào phù hợp?
Bà Đặng Ngọc Thu Thảo – giám đốc vận hành, dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc ManpowerGroup Việt Nam – nhận định một số doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, châu Âu không bị ảnh hưởng nhiều nếu giảm giờ làm.
Một phần do những doanh nghiệp này duy trì văn hóa theo công ty mẹ, không áp dụng thời gian làm việc tối đa.
Trong khi đó, nếu áp dụng giảm giờ làm ở một số công ty, nhà máy sản xuất liên doanh hoặc doanh nghiệp nội địa, sẽ mất nhiều thời gian chuyển đổi hoặc gây áp lực lên giá bán.
“Việc giảm giờ làm nên có tiến trình dần. Việt Nam nên học kinh nghiệm của các nước, bắt đầu thử nghiệm trên một khu vực, ngành hoặc địa phương nhất định”, bà Thảo nói và khuyến nghị giảm giờ làm song song với duy trì năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.
Ví dụ, khi doanh nghiệp kiểm tra tay nghề, năng suất của người lao động, nếu tổng năng suất lao động của toàn bộ doanh nghiệp đạt chỉ tiêu đề ra với thời gian làm ít hơn, linh hoạt hơn, công ty có thể thông qua kế hoạch giảm giờ làm.
Đại diện ManpowerGroup Việt Nam cho rằng doanh nghiệp nên xây dựng cơ chế đo lường hiệu quả làm việc thực sự thay vì áp dụng cơ chế giám sát thời gian cứng nhắc, rút gọn/tối giản quy trình làm việc, tối ưu thời gian làm việc như giảm thiểu họp định kỳ tuần/tháng.
Doanh nghiệp có thể nâng cao kỹ năng làm việc của người lao động, tập trung sức lực lao động vào việc cần thiết…
Vị này phân tích rằng giảm giờ làm về sâu xa là giải bài toán tăng năng suất lao động. Chẳng hạn, có công ty giảm thời gian sản xuất một chiếc tivi xuống gần một nửa thời gian song cho biết cần tối thiểu bốn năm cải tiến, điều chỉnh dây chuyền, đảm bảo giữ nguyên giờ làm việc.
“Như vậy, việc tăng năng suất lao động cần thời gian, sự quyết tâm, đầu tư của doanh nghiệp. Mấu chốt chính là năng suất lao động luôn phải được đo lường một cách lượng hóa qua nhiều chỉ số khác nhau và phù hợp với các bộ phận, vị trí khác nhau”, vị này nhấn mạnh.
Kinh nghiệm triển khai
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung – chủ tịch công đoàn Công ty Yazaki Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) – cho biết công ty đang áp dụng 44 giờ/tuần từ khoảng 10 năm qua. Bình quân người lao động được nghỉ 2 hoặc 3 ngày thứ bảy.
Việc giảm giờ làm tăng theo lộ trình, mỗi năm cho nghỉ thêm một ngày, tăng dần, đến năm 2024 công nhân được nghỉ thêm 31 ngày/năm, tức khoảng 2,5 ngày/tháng (thứ bảy). Mục tiêu giảm thời gian làm việc cho công nhân trong xưởng để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động.
“Mỗi năm, công ty có chủ trương, thông báo tạo thành thông lệ, đảm bảo nghỉ có lương Nếu có kế hoạch đi làm, người lao động hưởng lương đi làm ngày nghỉ”, bà Nhung nói và cho biết công đoàn và ban giám đốc công ty luôn xem xét, thống nhất tình hình sản xuất năm tới, có cho nghỉ thêm hay không.
Ngoài ra, hằng năm công ty bổ sung thêm chế độ khác cho người lao động.
Cũng theo bà Nhung, để có kế hoạch sản xuất của năm tới, công ty phải xây dựng lịch từ trước, cân đối thời gian làm việc lại, đảm bảo lượng sản xuất phù hợp với đơn hàng cũng như tăng ca phù hợp thực tế. Về lâu dài, đôi bên cùng có lợi. Nếu giảm giờ làm, về mặt sản lượng sẽ yêu cầu khắt khe hơn.
“Ví dụ bình thường, năng suất từng này đủ đáp ứng yêu cầu thì nay giảm giờ làm phải tăng năng suất lên nhưng cũng nằm trong quy trình tính toán nhân sự, máy móc từ trước chứ không làm liền”, bà Nhung nói.
Trong khi đó, ông Phạm Vũ Bình – chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH công nghệ Nissei Việt Nam (có 1.600 – 1.700 lao động) – ủng hộ việc giảm giờ làm của doanh nghiệp này, nghỉ làm việc 2 – 3 ngày thứ bảy mỗi tháng. Do đã có kế hoạch sản xuất từ sớm trước khi nhận đơn hàng, trừ các tháng cao điểm phải tăng ca, việc sắp xếp công việc được thực hiện trơn tru.
“Việc giảm giờ làm cần có thí điểm, xem xét cụ thể dựa vào tình hình các công ty trong một khu vực, khu công nghiệp nhất định và dựa vào phát luật lao động. Mỗi năm, chúng tôi phấn đấu tăng thêm một ngày nghỉ, dần hướng tới mục tiêu làm việc 40 giờ/tuần, tránh giảm sốc, có tích lũy dần. Đến nay, nhiều tháng đạt được tới ba ngày nghỉ vào thứ bảy hằng tuần”, ông Bình nói.
Làm việc 44 giờ/tuần, vẫn trả đủ lương
Ông Nguyễn Phước Đại – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (công ty cơ khí 100% vốn Nhật Bản, Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) – cho biết công ty đã áp dụng chế độ làm việc 44 giờ/tuần cho hơn 1.100 lao động trong hơn chục năm nay. Và đây là lợi thế giúp doanh nghiệp thu hút được lao động so với các công ty khác.
“Giờ làm việc trong tuần vẫn duy trì tám tiếng/ngày. Nhưng toàn bộ người lao động được nghỉ thêm hai ngày thứ bảy xen kẽ trong tháng thay vì chỉ được nghỉ chủ nhật hằng tuần như trước đây. Trong giai đoạn chuyển đổi, lương vẫn như làm 48 giờ/tuần. Nghĩa là công ty vẫn trả lương bình thường cho hai ngày thứ bảy công nhân được cho nghỉ”, ông Đại cho biết.
Nhiều nước thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần
Theo thống kê của ManpowerGroup, nhiều nước đã thử nghiệm hình thức làm việc 4 ngày/tuần trên quy mô rộng, đánh giá hiệu quả dựa trên phản hồi của doanh nghiệp, người lao động trước khi chính thức đưa vào luật.
Ví dụ, Iceland được xem là quốc gia tiên phong thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần trong giai đoạn dài nhất (2015 – 2019) với quy mô 2.500 người. Những quốc gia đang thử nghiệm hình thức này còn có Úc (26 công ty), Brazil (thử nghiệm trên 400 lao động, kéo dài 9 tháng từ tháng 9-2023), Đức (45 công ty, từ tháng 2-2024 đến tháng 8-2024).
Trong khi đó, Bỉ là nước đầu tiên ở châu Âu thông qua luật cho phép người lao động được làm việc 4 ngày/tuần từ tháng 2-2022, thời gian làm trung bình là 10 tiếng/ngày (40 giờ/tuần). Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho lao động nhà nước (chiếm 90% tổng lực lượng lao động) được phép làm việc 4 ngày/tuần từ 1-5-2023.
Thành công nhất vẫn là Anh với trên 3.300 nhân viên tại 61 công ty thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần trong 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 12-2022. Tỉ trọng tham gia lớn thuộc về các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực truyền thông và quảng cáo (18%), dịch vụ chuyên nghiệp (16%), phi lợi nhuận (11%). Tỉ trọng thấp nhất thuộc lĩnh vực xây dựng (4%) và kỹ thuật (2%).
Ngoài ra, thử nghiệm ghi nhận cải thiện sức khỏe thể chất tinh thần rõ rệt. Một số quốc gia, chính phủ khuyến khích doanh nghiệp áp dụng làm việc 4 ngày/tuần song chưa đưa vào luật như Nhật Bản, Thái Lan.
Giảm giờ làm phù hợp với thực tế
Theo bà Phạm Thị Tuyết Nhung, ghi nhận cho thấy có người lao động bày tỏ mong muốn công ty hướng tới làm việc 40 giờ/tuần nhưng cần tổng hợp ý kiến, đưa ra trong hội nghị người lao động.
Để tránh bị động, bà Nhung cho hay khi có lịch làm việc hằng năm, công ty sẽ nhận đơn hàng, sau đó điều chỉnh giảm giờ làm cho phù hợp với thực tế. Trường hợp tháng nào yêu cầu quá năng lực như hàng bán chạy, đơn hàng tăng đột biến, phải lên kế hoạch sản xuất trước ở các tháng dư năng lực.
Ví dụ tháng nào nghỉ nhiều mà đơn hàng cao, sản xuất trước một phần để các tháng sau có thời gian nghỉ, công ty cũng chấp nhận lượng tồn kho nhất định. “Khi làm sẽ gặp khó khăn nhưng mình tính trước, mọi việc sẽ ổn”, vị này nói.
Cũng theo bà Nhung, để người lao động đồng thuận, công ty còn chủ động thống nhất thỏa ước lao động tập thể có nhiều lợi ích hơn cho người lao động như đối với ca đêm từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau, ngoài 30% lương theo luật định còn được cộng thêm 5.000 đồng/giờ.
Ngoài ra, mức thưởng cuối năm bao gồm lương căn bản cộng thêm các khoản phụ cấp theo quy định của công ty. Thưởng cho nhân viên ưu tú vào cuối năm, thưởng cho nhân viên giữ gìn sức khỏe tốt, thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thưởng cho nhân viên có thâm niên…
Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-co-the-giam-gio-lam-viec-xuong-con-44-gio-tuan-20240617224436491.htm