(ĐCSVN) – Chiều 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và 1 Pháp lệnh.
9 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024; Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024; Luật Phòng không nhân dân năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công năm 2024; Luật Điện lực năm 2024. Đồng thời, công bố Pháp lệnh Chi phí tố tụng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 11/12/2024.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
Trong đó, nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm. Cụ thể, cấp úy từ 46 lên 50 tuổi, thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi, trung tá từ 51 lên 54 tuổi, thượng tá từ 54 lên 56 tuổi, đại tá nam từ 57 lên 58 tuổi, nữ từ 55 lên 58 tuổi. Cấp tướng với nam giữ nguyên 60 tuổi, nữ từ 55 lên 60 tuổi.
Bên cạnh đó, luật quy định số lượng cấp tướng ở từng cấp nhưng không quy định vị trí cụ thể từ cấp trung tướng trở xuống.
Đồng thời, luật bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tướng vượt bậc.
Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: TH. |
Luật Phòng không nhân dân năm 2024 gồm 7 chương, 47 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Việc xây dựng Luật nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc Việt Nam, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế-xã hội.
Luật Đầu tư công năm 2024 đã cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C); Nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 15/1/2025. Luật được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật được đề xuất theo 3 nguyên tắc: Lựa chọn những quy định có mâu thuẫn, bất cập, yêu cầu cấp bách phải sửa ngay để tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian cho phát triển; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân quyền theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; tập trung vào các nội dung đã xác định rõ phương án sửa đổi, đồng thuận cao, độc lập, có thể kế thừa khi sửa đổi, bổ sung toàn diện.
Luật Điện lực gồm 9 chương, 81 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2025. Đáng chú ý, quy định về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới là nội dung hoàn toàn mới tại Luật Điện lực năm 2024.
Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 được xây dựng tập trung vào 5 chính sách trọng tâm. Đó là chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản, chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; địa chất và khoáng sản. Các chính sách nêu trên được xây dựng thống nhất, xuyên suốt toàn bộ Luật.
Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025. Tuy nhiên, đối với khoáng sản nhóm IV có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2025 nhằm tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến sử dụng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Luật Dược năm 2024) gồm 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Luật có một số nhóm điểm mới liên quan đến chính sách nhà nước về dược và đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược; đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; cắm giảm, đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền; quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế…
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có 8 nhóm điểm mới liên quan đến việc sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia; quy định về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện thông cấp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng dẫn không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng đối với một số trường hợp. Bên cạnh đó, Luật điều chỉnh tỷ lệ chi cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chi dự phòng và tổ chức hoạt động bảo hiểm y tế từ số tiền đóng bảo hiểm y tế; bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và quy định cơ chế để quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho các trường hợp này…
Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 10 chương, 179 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự; 12 biện pháp xử lý chuyển hướng; 10 biện pháp ngăn chặn; 2 thủ tục tố tụng riêng biệt (đối với người chưa thành niên là: người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; bị hại, người làm chứng); đồng thời cải cách chính sách hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên theo hướng nhân văn, tiến bộ hơn…
Pháp lệnh Chi phí tố tụng gồm 12 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Pháp lệnh quy định về một số chi phí tố tụng; tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Việc xác định chi phí, tạm ứng chi phí, trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí, kinh phí chi trả chi phí trong quá trình Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh…/.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/phap-luat/cong-bo-lenh-cua-chu-tich-nuoc-ve-9-luat-va-1-phap-lenh-687149.html