Ngoài chức năng giải trí và kéo trẻ em tránh xa các thiết bị điện tử và mạng xã hội, truyện tranh cũng mang đến nhiều lợi ích thiết thực. Ðầu tiên, truyện tranh dạy trẻ em về sự đồng cảm. Nội dung của truyện tranh thường xoay quanh việc giải quyết các vấn đề xã hội theo cách có thể giúp người đọc hiểu và đồng cảm với nhiều mảnh đời gặp số phận trắc trở trong cuộc sống. Ví dụ trong bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”, thông qua những vụ phân xử của Trạng Tí, các em nhỏ phần nào hiểu được có một thời kỳ phân biệt giàu nghèo rõ rệt, cảm thương hơn cho những người yếu thế.
Ðọc truyện tranh là thói quen và sở thích tốt, rất cần được khuyến khích đối với trẻ em.
Bên cạnh đó, còn giúp trẻ tiếp nhận được nhiều kiến thức theo cách hấp dẫn nhất. Nếu các em nhỏ thích những câu chuyện cổ tích, thần thoại, sẽ có nhiều bộ truyện tranh như: “Cây tre trăm đốt”, “Chú mèo đi hia”, “Công chúa tóc mây”, “Truyện cổ Andersen”, “Thần thoại Hy Lạp”. Thậm chí là những đề tài “khó nuốt” như lịch sử, khoa học nếu được thể hiện sáng tạo bằng tranh ảnh thú vị bỗng chốc trở nên hấp dẫn và dễ hiểu vô cùng: “Lược sử thế giới bằng tranh”, “Lược sử nước Việt bằng tranh”, “George và vụ nổ Big Bang, Why?”, “Tớ ham học hỏi”… Ngoài ra, các bộ truyện tranh dạy kỹ năng sống cũng rất đa dạng, giúp trẻ có thể thoả thích, chủ động lựa chọn chủ đề yêu thích và vốn kiến thức muốn dung nạp.
Quan trọng nhất, truyện tranh bước đầu rèn cho trẻ thói quen đọc sách, gắn bó với văn hoá đọc ngay từ nhỏ. Ðối với trẻ chưa biết hết mặt chữ (tiểu học), hoặc lười đọc sách, trường hợp đặc biệt hơn là mắc triệu chứng khó đọc, việc đọc truyện tranh sẽ là cách tuyệt vời để tạo thói quen này. Truyện tranh có nhiều màu sắc và hình sinh động dễ thu hút trẻ. Tiếp đó, trẻ đọc chữ để hiểu toàn bộ câu chuyện được truyền tải. Nếu đọc truyện tranh đều đặn, trẻ có thể chuẩn bị cho mình vốn từ để có thể sẵn sàng đọc truyện chữ. Cha mẹ thông qua đó có thể tăng số lượng chữ đọc bằng những sách chữ có hình minh hoạ. Ðến lúc trẻ có thể đọc sách chữ hoàn toàn, hãy giúp trẻ duy trì thói quen này vì sẽ giúp ích cho việc học tập và tư duy của trẻ.
Chị Trần Ngọc Diệu, Khóm 6, Phường 4, TP Cà Mau, cho biết: “Lúc con khoảng 4 tuổi tôi đã tập cho con đọc truyện tranh có hình vẽ nhiều màu sắc đa dạng. Từ từ, con ngày càng thích và tò mò về câu chuyện trong truyện tranh. Con bắt đầu muốn học chữ để đọc những chú thích trong truyện tranh. Qua mỗi năm, tôi lựa chọn truyện tranh có nhiều chữ hơn để con vừa xem vừa tư duy, vừa kích thích học chữ hơn. Con dành thời gian xem truyện tranh khi rảnh rỗi và hay hỏi cái này, cái nọ khi thấy sự vật, sự việc ngoài đời giống trong tranh vẽ”.
“Tôi hay lựa chọn những loại truyện về kỹ năng sống cho con đọc để thông qua đó con hiểu thêm những cách xử lý tình huống trong cuộc sống. Một số truyện tranh được thiết kế đặc biệt cũng dạy con các chủ đề quan trọng như đọc, viết và nhiều kiến thức xoay quanh xã hội lịch sử. Cho con đọc truyện cũng là cách tách con khỏi Ipad, điện thoại thông minh…”, chị Nguyễn Bích Trâm, Khóm 3, Phường 9, TP Cà Mau, chia sẻ.
Thị trường truyện tranh rất phong phú, đa dạng, các em có thể thoải mái lựa chọn theo ý thích. (Ảnh chụp tại Nhà sách Fahasa, TP Cà Mau).
Tuy nhiên hiện nay, thị trường truyện tranh bắt đầu có những biến tướng đáng lo lắng. Trên các giá sách ở các nhà sách hay tiệm sách, truyện tranh, truyện cổ tích dành cho thiếu nhi cũng vô cùng phong phú với đủ các thể loại, nhưng không phải truyện tranh nào cũng có sự trong sáng đúng lứa tuổi. Phụ huynh sẽ không khỏi giật mình vì những từ ngữ thô tục, những hình vẽ dung tục trong truyện. Chưa kể, nội dung của truyện tranh bây giờ khai thác sâu vào những rung động đầu đời hay câu chuyện chém giết bạo lực… Ðiển hình như bộ truyện “Thuỷ thủ mặt trăng” đều vẽ các nhân vật ăn mặc ngắn cũn cỡn, hay truyện “Dòng sông huyền bí” tràn ngập cảnh hôn hít…
Tuy nhiên, phụ huynh cần kiểm tra nội dung truyện tranh cho con vì những biến tướng đang xuất hiện.
Nói về tác hại của kiểu truyện tranh này, TS Giáo dục Vũ Thu Hường, giảng viên Trường Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tuổi đi học (từ 6-18 tuổi) là lứa tuổi tò mò, háo hức với tất cả mọi thứ. Thế nên, các thông tin chưa được kiểm chứng, các bạn nhỏ sẽ ghi nhớ rất lâu. Những truyện ngoài lề, các bạn ấy sẽ nhập tâm nhanh hơn người lớn, nhớ lâu hơn người lớn và cũng tò mò đi đến cùng hơn người lớn. Khi đọc truyện tranh với các thông tin thiếu hệ thống, những hình ảnh phản cảm, trẻ em sẽ hoàn toàn có thể hiểu lệch lạc đi, hình thành những thói quen rất xấu, ảnh hưởng đến nhân cách trẻ”.
Lời khuyên cho phụ huynh là cần kỹ lưỡng kiểm tra nội dung truyện tranh trước khi mua cho con, định hướng cho con chọn truyện nội dung trong sáng, phù hợp. Với trẻ em, ngoài nhu cầu giải trí, truyện tranh còn góp phần trong việc hình thành phát triển tư duy và hoàn thiện nhân cách. Vậy nên, đã đến lúc những nhà giáo dục cần lên tiếng về hiện tượng tranh ảnh, nội dung nhạy cảm trong các cuốn sách dành cho thiếu nhi./.
Lam Khánh