Nằm cạnh Quốc lộ 37B, chợ Bể thuộc xã Giao Nhân, huyện Giao Thuỷ, Nam Định không chỉ là nơi giao lưu, buôn bán của người dân trong và ngoài địa bàn huyện mà còn trở thành điểm đến độc đáo thu hút đông đảo du khách thập phương tới trải nghiệm, hoài niệm và thưởng thức loạt món quà vặt tuổi thơ.
Không ai rõ chính xác chợ Bể có từ bao giờ nhưng theo nhiều người dân cao tuổi ở địa phương, khu chợ này đã có từ rất lâu, đến nay khoảng gần 700 năm tuổi. Điều đặc biệt là chợ chỉ họp 6 phiên trong tháng, vào buổi sáng các ngày mồng bốn, mồng tám, mười bốn, mười tám và hai mươi bốn, hai mươi tám. Riêng phiên chợ ngày 28 Tết là đông và quy mô lớn nhất, kéo dài từ sáng sớm đến chiều tà.
Ngày thường, chủ yếu vào buổi chiều, chợ Bể vẫn diễn ra các hoạt động buôn bán nhưng lượng khách và các mặt hàng được bày bán có phần khiêm tốn hơn.
Chợ Bể không chỉ là nơi giao thương của người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Giao Thủy mà còn thu hút nhiều tiểu thương từ các huyện lân cận hay từ tỉnh Thái Bình sang buôn bán.
Giống như nhiều khu chợ truyền thống khác ở miền Bắc, chợ Bể cũng được bày bán các mặt hàng thiết yếu đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong vùng, từ quần áo, giày dép cho đến nông sản, hải sản, các sản phẩm đan lát thủ công,… Vào những ngày chợ phiên, người ta còn buôn bán cả động vật nuôi, cây trồng, con giống các loại,…
Một điều khiến du khách cảm thấy ấn tượng khi đến chợ Bể là nơi đây vẫn lưu giữ được lối kiến trúc truyền thống, mang đậm nét cổ kính, mộc mạc dù đã trải qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang. Tại khu chợ này, ngoài các khu vực mới được dựng lên để đáp ứng nhu cầu buôn bán sầm uất của người dân thì vẫn còn tồn tại những gian chợ cổ kính từ xưa được xây bằng gạch đất nung thủ công, mái ngói bạc màu.
Các gian hàng, dãy chợ đều được phân chia, thiết kế quy củ, ngăn nắp, khoa học. Trong đó, khu vực các gian chợ cổ, xưa cũ thì bày bán các mặt hàng truyền thống, còn dãy nhà mái bằng bán quần áo, giày dép thời trang,… (Ảnh: Quốc Đạt).
Vì là khu chợ giáp biển nên hàng ngày, bà con thường chở về đầy ắp các mặt hàng thủy hải sản đa dạng để buôn bán tại đây. Thủy, hải sản như tôm, cá, mực, bề bề, ốc,…, được đánh bắt trong ngày nên đảm bảo tươi rói, giá cả lại phải chăng nên rất được người địa phương và du khách ưa chuộng, mua về chế biến, thưởng thức.
Không chỉ sở hữu nét cổ kính, hoài niệm từ kiến trúc đến văn hóa giao thương bản địa, chợ Bể còn trở thành điểm đến độc lạ thu hút đông đảo du khách thập phương ghé thăm, trải nghiệm loạt thức quà quê in đậm ký ức tuổi thơ.
Anh Phan Đạt (ở Hà Nội) cho hay, mỗi lần có dịp trở về quê, anh lại cùng bạn bè lái xe máy, di chuyển vài cây số xuống chợ Bể để thưởng thức một số món quà vặt vốn “hiếm có khó tìm” ở Thủ đô. “Ở chợ Bể hiện vẫn còn bày bán và phục vụ nhiều món ăn vặt dân dã như bánh dùng, bánh rán, chè hay thạch găng, bánh nếp, bánh đa,… Dù cuộc sống hiện đại có nhiều món ăn lạ miệng, hương vị và hình thức hấp dẫn hơn nhưng những thức quà quê giản dị, bình dân vẫn khiến chúng tôi thổn thức, lần nào về đây cũng nhất định phải rủ nhau đi ăn, gợi nhắc lại kỷ niệm tuổi thơ”, anh Đạt bày tỏ (Ảnh: Quốc Đạt).
Ngoài các thức quà truyền thống, gắn bó với bao thế hệ người dân địa phương, ở chợ Bể còn bày bán một số món ăn vặt mới, phục vụ nhu cầu ăn uống, trải nghiệm ẩm thực đa dạng của cả người lớn lẫn trẻ em.
Cứ độ cuối chiều, sau giờ tan học, nhiều em học sinh trên địa bàn huyện lại tìm đến đây, lấp đầy bụng đói bằng nhiều món ăn vặt như bánh mì thịt nướng, nem cuốn, bánh tráng trộn,… với giá bình dân, chỉ từ 5.000 – 7.000 đồng/chiếc,… Tiếng bà con buôn bán, gọi mời khách, tiếng đám trẻ trò chuyện, nô đùa khiến khung cảnh khu chợ càng thêm đông vui, nhộn nhịp.
Phan Đậu - Ảnh: Thành Phùng
Nguồn
Bình luận (0)