Vốn Nhà nước tại dự án giao thông đường bộ được đề xuất tăng để thu hút nhà đầu tư, địa phương cũng có thể dùng ngân sách làm đường qua tỉnh khác.
Đây là hai trong số các cơ chế đặc thù đầu tư dự án giao thông đường bộ (quốc lộ, cao tốc) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội và thảo luận tại tổ chiều 27/10.
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình, cho biết đầu tiên Chính phủ đề xuất “nới” tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công – tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức tăng 20% so với quy định hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích, thực tế một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần vốn Nhà nước nhiều hơn để đảm bảo khả thi khi kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, tiền để giải phóng mặt bằng tại một số dự án chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư, nếu vốn Nhà nước thấp sẽ khó có hiệu quả tài chính, không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia.
Vì thế, việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án PPP giao thông đường bộ nhằm tạo động lực huy động vốn tư nhân, hấp dẫn nhà đầu tư và ngân hàng rót vốn khi hiệu quả tài chính dự án được đảm bảo. Đây cũng là chính sách được Quốc hội cho phép áp dụng tại TP HCM, theo Nghị quyết 98.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư cao tốc, quốc lộ bằng ngân sách địa phương (gồm vốn hỗ trợ từ trung ương nếu có). Chính sách này nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cũng như thuận lợi trong quy hoạch, đấu nối hạ tầng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Với dự án giao thông qua nhiều địa phương, Thủ tướng xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản đầu tư, và dùng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho tỉnh khác làm dự án.
Ông Dũng nêu, quy định hiện nay không cho phép địa phương quyết định chủ trương đầu tư, bố trí vốn cho dự án đi qua địa bàn tỉnh khác. Trong khi thực tế nhiều dự án giao thông qua nhiều địa phương, hoặc đi qua ranh giới hai địa phương bằng cầu, hầm. “Nếu mỗi địa phương đầu tư một nửa cầu, hầm sẽ không thuận lợi cho quản lý dự án, lãng phí bộ máy, thời gian, thủ tục đầu tư. Do đó, chính sách này nhằm thống nhất thẩm quyền, gỡ vướng cho dự án giao thông đi qua nhiều địa phương”, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết.
Chính sách tiếp theo Chính phủ đề nghị là cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, trong bối cảnh nhiều dự án đang triển khai thiếu vật liệu, giá bị đẩy lên cao.
Các cơ chế, chính sách này được Chính phủ đề nghị áp dụng các cơ chế đặc thù trên tới hết năm 2025. Mỗi cơ chế sẽ kèm theo danh mục dự án cụ thể được áp dụng tại các địa phương.
Cuối cùng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng một lần cơ chế đặc thù với dự án từ nguồn thu tăng thêm ngân sách trung ương 2022. Các loại dự án dự kiến được áp dụng chính sách này, gồm dự án cấp, khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025; dự án do địa phương quản lý đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021-2025)…
Ngoài ra, vốn tăng thu ngân sách trung ương 2022 sẽ được dùng để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng (gồm phần chậm trả) của các dự án đã quyết toán.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế tán thành việc cần có cơ chế đặc thù đầu tư dự án cao tốc, quốc lộ, song cũng có ý kiến không đồng ý do chưa rõ hiệu quả chính sách. Do đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá kỹ hơn tác động của các chính sách, làm rõ nguồn lực thực hiện.
Với từng cơ chế cụ thể, Ủy ban Kinh tế nhất trí với tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án giao thông theo hình thức PPP lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Nhưng cơ quan này lưu ý, chính sách trên vẫn chưa xử lý triệt để những khó khăn của các dự án giao thông PPP hiện nay. Bởi, thực tế vừa qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn trong huy động vốn do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi, nhưng chưa có cơ chế thỏa đáng bảo vệ nhà đầu tư.
Mặt khác, những tồn tại của các dự án giao thông BOT giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; lưu lượng xe thực tế của các dự án này thấp hơn nhiều phương án tài chính đưa ra, chậm tăng phí sử dụng dịch vụ theo hợp đồng dự án. Việc này khiến các ngân hàng nhà đầu tư quan ngại việc tham gia đầu tư các dự án giao thông PPP.
Có ý kiến đề nghị có thể tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án so với quy định của Luật PPP nhưng không vượt quá chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và không xác định tỷ lệ cụ thể tránh trường hợp lợi dụng để đề nghị mức hỗ trợ cao hơn của Nhà nước
Về giao quyền đầu tư dự án giao thông đường bộ cho UBND tỉnh, theo Ủy ban Kinh tế, chính sách này đã được áp dụng cho một số dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43. Song thực tế triển khai cũng bộc lộ hạn chế, như Ban quản lý điều hành dự án tại các địa phương chưa đồng bộ, có trường hợp địa phương làm tốt, có địa phương gặp khó khăn, dễ phát sinh tình trạng không hoàn thành theo tiến độ của các dự án thành phần.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá sơ kết triển khai chính sách này trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43 để thêm cơ sở thuyết phục các đại biểu Quốc hội.
Tương tự, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát lại cơ chế đặc thù cho dự án dùng vốn từ nguồn tăng thêm ngân sách trung ương 2022 để đảm bảo không dàn trải, thất thoát, lãng phí và phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách.
Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa xem xét danh mục, mức vốn cụ thể với các dự án và không đính kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Lý do, hiện các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, nên chưa có cơ sở để bố trí vốn ngân sách trung ương. Danh mục dự án nêu cụ thể về mức vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, quyết định việc phân bổ ngân sách 2022 cho số dự án này.
Trường hợp cần có danh mục kèm theo Nghị quyết để xác định rõ đối tượng áp dụng thí điểm thì đề nghị không nêu cụ thể số vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho từng dự án.