Bến cập tàu Quan Lạn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) là một trong nhiều bến ở Vân Đồn được ngân sách nhà nước đầu tư từ năm 90 của thế kỷ trước. Tuy gọi là bến cập tàu, nhưng gần như là bến cảng tổng hợp kết nối, giao thương hàng hóa, đưa đón người dân, khách du lịch và vận chuyển nguyên vật liệu từ đất liền ra đảo Quan Lạn, do vậy có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống, phát triển KT-XH của xã đảo.
Trải qua thăng trầm thời gian, bến cập tàu đã rất nhiều lần bị sóng, gió do bão làm hư hại. Mặc dù đã được cải tạo, nâng cấp nhiều lần nhưng đến nay bến cập tàu vẫn không đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt. Hiện tại mái taluy hai bên bến đều bị sóng đánh xói mòn, sạt trượt nhiều vị trí; hệ thống cầu cảng bị hà, rêu bám, không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên; thành cảng bị trầy xước vì sự va đập của tàu trọng tải lớn chở nguyên vật liệu cập cảng. Đặc biệt, mỗi khi vào mùa con nước lớn, bến cảng Quan Lạn gần như bị sóng, nước biển nhấn chìm; vào mùa nước cạn thì các tàu vận tải, chở khách du lịch không thể cập cảng, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động trên đảo.
Ông Phạm Quốc Duyệt (người dân xã đảo Quan Lạn) cho biết: Bến cập tàu Quan Lạn nằm ở phía bờ Nam của xã đảo nên thường xuyên hứng chịu những con sóng Nam to đánh vào gây ra những hệ lụy cho mọi hoạt động ở cảng. Vào mùa sóng nam, gần như không có tàu nào cập hay đậu được ở phía phải cảng vì sóng to; vào mùa con nước cạn thì các tàu phải dùng các phương tiện thủy cỡ nhỏ trung chuyển mới đưa được người, du khách vào cảng. Rất nhiều đoàn khách ra tham quan, du lịch trên đảo đã rất ngán ngẩm khi phải chờ đợi trung chuyển hoặc lội nước biển để lên được bờ an toàn. Người dân xã đảo đề nghị cấp có thẩm quyền sớm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp đối với bến cảng này hoặc là nghiên cứu, sớm đầu tư một cảng mới phù hợp hơn, hiện đại, đồng bộ, phục vụ cho sự phát triển KT-XH ở tuyến đảo.
Bến cập tàu Quan Lạn chỉ là một điển hình trong nhiều bến cảng khác do Nhà nước đầu tư trước đây ở huyện Vân Đồn hiện đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc không còn thích hợp với quá trình phát triển mới của tỉnh theo hướng phát triển “xanh”, trọng tâm là du lịch, dịch vụ. Hiện nay, trung bình một năm huyện Vân Đồn đón hàng triệu lượt khách du lịch. Riêng năm 2024, huyện đón 1,8 triệu lượt khách, doanh thu 2.831 tỷ đồng, trong đó trên 50% lượng khách ra tham quan, nghỉ dưỡng ở các tuyến đảo. Dự kiến năm 2025, Vân Đồn đón trên 2 triệu lượt khách. Đây là một thách thức đặt ra cho hệ thống các bến cập tàu ở Vân Đồn, nhất là ở các xã tuyến đảo trọng điểm du lịch Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng trong dịp hè.
Để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ qua các bến, UBND huyện Vân Đồn đã giao công tác quản lý, tổ chức hoạt động cảng Cái Rồng và các bến cảng tại các xã đảo Vân Đồn cho Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện Trung tâm mới chỉ đầu tư cải thiện được một phần mỹ quan, bố trí khu vực chờ tàu, sắp xếp phương tiện vận tải đưa đón khách, vận chuyển hàng hóa ở cảng, không để xảy ra tình trạng lộn xộn ra vào cảng.
Ông Chu Minh Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vân Đồn, cho biết: Để khắc phục tạm thời, đảm bảo việc đi lại của nhân dân, du khách vào, ra các tuyến đảo qua hệ thống các bến cảng do đơn vị quản lý, đơn vị đã đầu tư hệ thống mái che chắn nắng, phục vụ người dân, du khách chờ đợi tàu ở bến cảng Quan Lạn, Minh Châu; quản lý không cho xe ra ngoài phía cầu cảng đón, trả khách. Về lâu dài, đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp các bến từ nguồn vốn đầu tư công và thu hút đầu tư ngoài ngân sách, đảm bảo các bến cảng này được đầu tư đồng bộ với hạ tầng đường giao thông trên đảo, phục vụ lâu dài, bền vững cho mục tiêu phát triển KT-XH của tuyến đảo Vân Đồn nói riêng và của KKT Vân Đồn nói chung.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/som-cai-tao-nang-cap-ben-cap-tau-o-van-don-3352689.html
Bình luận (0)