Nga dùng xe tăng T-55 và T-62 đời cũ làm khí tài yểm trợ hỏa lực, thay vì đột kích vào phòng tuyến Ukraine, giúp chúng phát huy hiệu quả.
Từ cuối năm ngoái, Nga bắt đầu rút hàng nghìn xe tăng T-55 và T-62 từ kho niêm cất để chuyển chúng tới chiến trường Ukraine, nhằm bổ sung lực lượng cho các đơn vị thiết giáp đã bị tổn thất nặng nề sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.
Hồi đầu năm nay, quân đội Ukraine tuyên bố tịch thu nhiều chiếc T-62 từ tay lực lượng Nga và sửa chữa, cải tạo để tiếp tục đưa chúng quay lại chiến trường. Thực tế này khiến một số chuyên gia phương Tây cho rằng Nga đã phạm sai lầm khi đưa những chiếc xe tăng hơn 60 năm tuổi này ra chiến trường và chúng gần như không còn phát huy được vai trò trên chiến trường hiện đại.
Tuy nhiên, báo cáo mới công bố của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định sau những lúng túng ban đầu, quân đội Nga đã tìm ra phương án sử dụng hiệu quả số tăng thiết giáp cũ trong kho, giúp chúng tiếp tục thể hiện được ưu thế trong giao tranh.
Báo cáo được RUSI thực hiện sau khi phỏng vấn nhiều sĩ quan Ukraine đã chạm mặt xe tăng đời cũ của Nga trên chiến trường, cho thấy lực lượng này đã thay đổi đáng kể chiến thuật sau những tổn thất ban đầu.
Họ không còn điều những chiếc xe tăng đời cũ làm mũi nhọn xung kích, tấn công trực diện vào phòng tuyến của Ukraine, bởi T-55 và T-62 có hệ thống phòng vệ kém hiệu quả, khả năng cơ động và hỏa lực kém hơn các mẫu tăng hiện đại, khiến chúng dễ bị đối phương tiêu diệt bằng các loại vũ khí chống tăng thông thường.
Thay vào đó, Nga sử dụng xe tăng T-55 và T-62 như những “bệ pháo di động”, làm lực lượng dự phòng cho pháo binh, cung cấp hỏa lực yểm trợ tầm xa cho các đơn vị bộ binh và tham gia những cuộc đột kích chớp nhoáng vào điểm yếu trong phòng tuyến của đối phương.
“Chiến thuật sử dụng tăng thiết giáp của Nga đã có những bước phát triển đáng kể trong cuộc xung đột”, báo cáo của RUSI có đoạn. “Dù việc đưa những mẫu xe tăng cũ như T-55 và T-62 ra chiến trường bị chế giễu trên mạng xã hội, chúng giờ đây được sử dụng làm phương tiện yểm trợ hỏa lực, tương tự thiết giáp BMP và các loại xe chiến đấu bộ binh khác, nhưng uy lực hơn”.
Báo cáo nhận định với khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 1,5 km, xe tăng T-55 và T-62 “vẫn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng trên chiến trường”, đặc biệt tại những nơi chúng ít bị đe dọa bởi vũ khí chống tăng dẫn đường.
Pháo nòng trơn cỡ 115 mm trên xe tăng T-62 không uy lực và chính xác như các loại pháo hạng nặng, song chúng có khả năng cơ động cao hơn và được bảo vệ tốt hơn, nên sẽ yểm trợ tốt hơn cho các đơn vị bộ binh liên tục cơ động, báo cáo có đoạn.
Các chuyên gia tại RUSI cũng nhận định Nga thường sử dụng xe tăng đời cũ để tiến hành các cuộc đột kích ban đêm, vào thời điểm lực lượng Ukraine đảo quân, nhằm “nhanh chóng tiếp cận khu vực mục tiêu, nã càng nhiều đạn càng tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất rồi rút lui”.
Báo cáo cho biết xe tăng đời cũ Nga được trang bị các vật liệu ngăn bức xạ nhiệt và thường tiến công vào bình minh hoặc hoàng hôn, thời điểm được gọi là giao thoa nhiệt, khi xe tăng có nhiệt độ gần với môi trường xung quanh nhất, khiến cảm biến tầm nhiệt trên tên lửa chống tăng dẫn đường khó phát huy hiệu quả.
Một số chuyên gia phương Tây gần đây cho rằng quân đội Nga đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu trong quá trình tham chiến tại Ukraine, khiến họ hứng chịu thiệt hại nặng nề. Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Washington, Mỹ hồi tháng 2 ước tính Nga mất hơn 2.000 xe tăng từ khi xung đột với Ukraine bùng phát tháng 2/2022.
Tuy nhiên, báo cáo của RUSI cho thấy Nga đang rút kinh nghiệm và điều chỉnh chiến thuật, cách đánh và phát huy thế mạnh trong các lĩnh vực khác, như tác chiến điện tử hay công binh. Cách thức tác chiến của các xe tăng đời cũ cũng chứng minh lực lượng thiết giáp Nga đã có nhiều cải tiến để thích ứng với thực tế chiến trường Ukraine.
Nguyễn Tiến (Theo Bussiness Insider)