Mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc áp dụng cho năm 2025 đã được nâng lên 10.030 won/giờ (7,29 USD), cao hơn 170 won (0,12 USD) so với hiện nay. Đây là lần đầu tiên, lương tối thiểu ở nước này vượt mốc 10.000 won/giờ (7,27 USD) kể từ khi áp dụng chế độ lương tối thiểu năm 1988.
Đối mặt với việc mức lương tối thiểu theo giờ tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Hàn Quốc đã lựa chọn cắt giảm nhân viên và tăng cường sử dụng các thiết bị tự động để giảm bớt chi phí thuê nhân công. Tự động hóa giúp các doanh nghiệp loại bỏ 4 gánh nặng bảo hiểm chính gồm: bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời giảm áp lực về quản lý lao động do nhân viên bán thời gian nghỉ việc thường xuyên.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, năm 2023, số tiểu thương tự kinh doanh mà không có nhân viên trong ngành thực phẩm và lưu trú của Hàn Quốc là 334.000 người, tăng 22.000 người (khoảng 7,05%) so với năm 2017. Cùng thời gian này, số tiểu thương tự kinh doanh có nhân viên chỉ tăng thêm 7.000 người (2,14%), lên 334.000 người. Đáng chú ý, mức lương tối thiểu theo giờ tại Hàn Quốc tăng mạnh 48,7%, từ 6.470 won (4,69 USD) năm 2017 lên 9.620 won (6,97 USD) năm 2023.
Trong ngành kinh doanh nhà hàng tại Hàn Quốc, việc sử dụng các thiết bị đầu cuối đặt hàng và thanh toán tự phục vụ ngày càng trở nên phổ biến. Số lượng các thiết bị đầu cuối tự phục vụ như máy gọi món tự động của Công ty Torder, đã tăng từ 25.000 chiếc trong năm 2022 lên 100.000 chiếc năm 2023 và vượt quá 200.000 chiếc trong năm nay. Theo đó, doanh thu của công ty này đã tăng từ 480 triệu won (hơn 347.000 USD) năm 2019 lên 60 tỷ won (43,4 triệu USD) năm 2023. Công ty cung cấp thiết bị đầu cuối tự phục vụ chủ yếu thông qua việc ký hợp đồng với nhiều nhà hàng hoặc các chuỗi thương hiệu nhượng quyền. Mỗi thiết bị sẽ bị tính phí từ 20.000-30.000 won (14-21 USD) mỗi tháng dưới dạng phí thuê hoặc phí dịch vụ.
Theo một lãnh đạo của Torder, do áp lực từ việc lương tối thiểu theo giờ liên tục tăng, nhiều chủ nhà hàng đã liên hệ với công ty để lắp đặt máy gọi món tự động. Ông Cho, người điều hành một nhà hàng gần ga Bangbae ở quận Seocho-gu, thủ đô Seoul, cho biết, nhà hàng chỉ thuê một nhân viên bán thời gian phục vụ ở sảnh. Còn lại, nhà hàng lắp đặt các thiết bị đầu cuối tự phục vụ (có thể thanh toán bằng thẻ) trên 10 bàn. Phí hàng tháng chi trả cho các thiết bị này là 300.000 won (217 USD).
Cùng với thiết bị đầu cuối tự phục vụ, ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc sử dụng robot để mở các cửa hàng không người phục vụ hoặc cửa hàng 1 người vận hành. Doosan Robotics, một công ty chuyên sản xuất robot công nghiệp, đã ra mắt robot E0509 được thiết kế đặc biệt cho ngành thực phẩm và đồ uống, có thể được sử dụng cho nhiều hoạt động như pha cà phê, rán gà, nấu mì… Trên thực tế, một số thương hiệu gà rán của Hàn Quốc cũng đã sử dụng các robot này cho khâu rán gà, hiện thực hóa mô hình hoạt động một người của chủ cửa hàng. Các quán cà phê không người vận hành, sử dụng robot cũng phát triển nhanh chóng.
Giới chuyên gia nhận định, với tình trạng thiếu lao động và giá cả leo thang như hiện nay, xu hướng tự động hóa ở Hàn Quốc sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác nhằm giảm chi phí sản xuất và quản lý.
MINH CHÂU
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cat-giam-nhan-vien-tang-tu-dong-hoa-post749996.html