Nhiều trường cao đẳng ký cam kết việc làm cho tân sinh viên, coi đây là yếu tố để thu hút khi tuyển sinh.
Đầu tháng 8, chị Huyền đưa con trai từ Phú Thọ về Hà Nội nhập học Cao đẳng Công thương Việt Nam, ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô.
Đạt gần 20 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), trước đó chị Huyền và con nhận thấy khó để vào được trường đại học ưng ý. Khi nghiên cứu hệ cao đẳng, hai mẹ con bị thuyết phục bởi cam kết bố trí việc làm sau tốt nghiệp của trường Công thương. Nếu không, trường hoàn lại học phí.
“Trường còn có chương trình thực tập có lương nên tôi quyết định cho con nhập học”, chị Huyền nói.
Cam kết việc làm sau tốt nghiệp trở thành yếu tố thu hút thí sinh vào cao đẳng, theo nhiều chuyên gia.
Hiện, cả nước có gần 400 trường cao đẳng. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2022, số người học cao đẳng khoảng 236.000, tăng hơn 10% so với năm trước. Lãnh đạo nhiều trường cho rằng kết quả này phần lớn đến từ công tác truyền thông, trong đó có truyền thông về cơ hội và cam kết việc làm khi ra trường.
Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam hiện tuyển sinh 34 ngành với khoảng 1.000 chỉ tiêu. Ở hầu hết ngành, trường cam kết bố trí việc làm, trừ ba ngành Dịch vụ pháp lý doanh nghiệp, Dịch vụ pháp lý đất đai, Dịch vụ pháp lý về tố tụng. Đây cũng là ba ngành trường chưa tuyển sinh được.
“Điều này cho thấy việc cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp là yếu tố quan trọng để phụ huynh, sinh viên lựa chọn trường”, TS Nguyễn Duy Đô, Hiệu trưởng, nói.
Ông Đô cho biết để bố trí việc cho khoảng 1.000 sinh viên mỗi năm, trường liên kết với hơn 200 doanh nghiệp. Dựa vào vị trí việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp, trường lựa chọn sinh viên đến thực tập trong thời gian đào tạo, lương khoảng 4-7 triệu đồng một tháng.
“Sinh viên thực tập ở doanh nghiệp nào thường sẽ vào làm việc tại đó sau khi nhận bằng. Lương khởi điểm khi đó cao gấp 1,5 lần so với thời gian thực tập, dao động 7-10 triệu đồng”, ông Đô nói. Riêng ngành Quản trị nhà hàng, khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn hay Công nghệ kỹ thuật ôtô, sinh viên có cơ hội thực tập ở nước ngoài 6 tháng đến một năm, nhận lương 12-15 triệu đồng một tháng.
Ở TP HCM, Cao đẳng Viễn Đông cũng cam kết việc làm cho khoảng 2.000 sinh viên mới mỗi năm.
Hiệu trưởng Trần Thanh Hải cho biết trường hợp tác chặt chẽ với hàng nghìn doanh nghiệp, tham gia các hiệp hội nghề nghiệp lớn nên dễ dàng giới thiệu sinh viên đi thực tập và làm việc. Cũng từ đó, trường nắm bắt nhu cầu, các công nghệ, kỹ thuật mới được áp dụng, rồi điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, giúp sinh viên ra trường có thể làm việc ngay.
Cũng theo ông Hải, thời gian thực hành của sinh viên hệ cao đẳng chiếm tối thiểu 70% chương trình đào tạo. Vì vậy, trường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để sinh viên thực hành, đồng thời phát triển đội ngũ giảng viên “lai”, vừa có trình độ giảng dạy, vừa làm việc ở các doanh nghiệp.
Kết quả, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của nhóm ngành Chăm sóc sức khỏe, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ đạt xấp xỉ 100%, lương khởi điểm thấp nhất là 8 triệu đồng. Riêng nhóm Kinh tế – Dịch vụ, tỷ lệ có việc đạt 70-75%, lương khởi điểm thấp nhất 6,5 triệu đồng.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê khoảng 292.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học năm nay, nhiều chuyên gia nhận định một trong những nguyên nhân là thí sinh chủ động chọn học cao đẳng nghề.
Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng chỉ ở mức 5,3%, thấp hơn nhiều so với đại học.
TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho rằng xã hội và phụ huynh đã có cái nhìn khách quan về cơ hội việc làm của con em mình ở bất cứ bậc học nào.
Hiện, cơ hội việc làm với sinh viên cao đẳng rất rộng mở. Như tại trường Cơ điện Hà Nội, thí sinh đến nhập học năm nay nhận được phiếu đăng ký về nơi làm việc trong nước hoặc nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Thí sinh muốn làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức hay Phần Lan sẽ đăng ký học ngoại ngữ từ năm đầu.
“Ngay từ năm thứ hai hoặc thứ ba, nhiều doanh nghiệp đối tác đã tổ chức tuyển dụng nên không thiếu cơ hội việc làm”, ông Ngọc nói.
Tất nhiên, không phải trường nào và ngành nào cũng dám cam kết tỷ lệ việc làm 100%. Ông Đô chia sẻ việc này còn phụ thuộc vào những yếu tố như dịch bệnh, sự dịch chuyển nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, hoặc chủ quan từ mong muốn của sinh viên.
Ông Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng tỷ lệ sinh viên có việc làm chỉ là một phần. Phụ huynh, thí sinh cần xem xét việc làm khi ra trường là việc gì, liệu có phù hợp với trình độ cao đẳng hay chỉ là công việc giản đơn, không cần học bậc này cũng làm được.
Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý phụ huynh, thí sinh cần tìm hiểu kỹ khi chọn trường, ngành.
“Dù nhiều trường có cam kết bằng lời nói hay văn bản, phụ huynh, thí sinh nên xem xét các cơ sở để cam kết đó có thể thực hiện được”, ông Hải nói.