Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Khoanh vùng nhóm lái xe được Bộ Y tế khám sức khỏe định kỳ
Gửi đến hội nghị ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Sở Tư pháp Hà Nội cơ bản nhất trí với nội dung Dự thảo Luật. Tuy nhiên, để Dự thảo Luật hoàn thiện hơn, Sở Tư pháp đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đối tượng tham gia giao thông sử dụng xe điện 2 bánh tự cân bằng, xe trượt Scooter (có điện hoặc không có điện), vali điện có thể di chuyển. Lý do đối tượng này chủ yếu là trẻ em, người chưa thành niên. Việc tham gia giao thông bằng các phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông nhưng hiện Dự thảo Luật chưa phân loại, chưa điều chỉnh với đối tượng này.
Cùng chung sự quan tâm này, bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội – Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, điều 34 của Dự thảo Luật hiện chưa đề cập một số loại phương tiện mà trẻ em, người chưa thành niên đang sử dụng để tham gia giao thông như xe điện 2 bánh tự cân bằng, xe trượt scooter, vali điện tự di chuyển… Những loại phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, vì vậy đề nghị bổ sung phân loại, điều chỉnh đối với các đối tượng này.
Đối với một số nội dung cụ thể, tại khoản 2 điều 21 Dự thảo Luật về sử dụng tín hiệu còi đã quy định “….không sử dụng còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau trong khu đông dân cư và khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…..”, Sở Tư pháp đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định này vì thực tế hiện nay cho thấy lượng phương tiện giao thông lưu thông trong khoảng thời gian này không nhỏ. Trong khi đó, hệ thống chiếu sáng vào khoảng thời gian này cũng được cắt giảm để tiết kiệm điện năng. Trong điều kiện lưu thông ánh sáng không đủ đảm bảo thì rất dễ xảy ra các tình huống va chạm/xung đột giao thông, gây mất an toàn giao thông. Nếu muốn cảnh báo các phương tiện cùng tham gia giao thông, người tham gia giao thông mà không được sử dụng còi thì sẽ không biết sử dụng biện pháp nào. Quy định như trong Dự thảo Luật có thể gây mất an toàn giao thông cho người tham gia giao thông và dễ khiến người điều khiển phương tiện vi phạm luật.
Sở Tư pháp cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại, việc định khám sức khỏe đối với người lái xe ô tô. Tại khoản 2 điều 58 của Dự thảo Luật quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô.
Theo Sở Tư pháp, việc định khám sức khỏe đối với người lái xe ô tô là cần thiết, vì người lái xe phải đảm bảo sức khỏe mới có thể vận hành được phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần khoanh vùng nhóm đối tượng, để tránh gây lãng phí thời gian, kinh phí của người hành nghề lái xe, nên tập trung vào các nhóm đối tượng: Lái xe là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), lái xe ô tô vận tải, người lái xe có tiền sử bệnh nền, nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác.
Rà soát quy định, tránh xe máy đi vào đường cao tốc
Đối với Dự thảo Luật Đường bộ, Sở Tư pháp Hà Nội cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục của Dự thảo Luật. Góp ý vào một số nội dung cụ thể, Sở Tư pháp cho rằng, quy định biển báo giao thông có thông tin thay đổi (biển báo VMS) được sử dụng khi thông tin hiển thị trên biển báo cần phải thay đổi tùy theo tình huống giao thông. Tùy theo mục đích, thông tin trên biển có thể là chỉ dẫn, cấm, hiệu lệnh hoặc báo nguy hiểm và cảnh báo. Biển không được dùng để quảng cáo, sử dụng hình hoạt họa, nhấp nháy, các hình có tính chất di chuyển.
Tại chương III Dự thảo Luật về đường bộ cao tốc quy định về nội dung về đầu tư đường cao tốc đô thị. Đối với nội dung này, Sở Tư pháp để nghị ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo việc đầu tư, xây dựng đường cao tốc tại khu vực đô thị phải đảm bảo an toàn và đồng bộ với hệ thống các biển báo chỉ dẫn; tránh tình trạng phương tiện xe máy đi sai vào làn đường cao tốc do hệ thống biển báo chưa rõ ràng. Tình trạng này đang khá phổ biến ở khu vực Đại lộ Thăng Long – Thủ đô Hà Nội.