Các tổ chức truyền thông lớn như News Media Alliance, tập đoàn có gần 2.000 ấn phẩm ở Mỹ, và Hội đồng Nhà xuất bản châu Âu đã tranh luận về một khuôn khổ cho phép các công ty truyền thông “đàm phán chung” với các nhà khai thác mô hình AI liên quan đến việc khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ có bản quyền.
“AI sáng tạo và các mô hình ngôn ngữ lớn… thường phổ biến nội dung và thông tin đó cho người dùng mà thường không hề nhắc tới hoặc ghi công cho những người sáng tạo ban đầu. Những hành vi này làm suy yếu các mô hình kinh doanh cốt lõi của ngành truyền thông”, bức thư viết.
Các dịch vụ như ChatGPT của OpenAI và Bard của Google đã dẫn đến sự gia tăng nội dung trực tuyến do chatbot tạo ra và một số ngành đang đánh giá tác động của sự bùng nổ AI đối với doanh nghiệp của mình.
Hầu hết các ứng dụng đều không tiết lộ kho thông tin đầu vào mà họ đã sử dụng để đào tạo các mô hình của mình, mà chỉ nói rằng họ sử dụng bộ dữ liệu bao gồm hàng tỷ mẩu thông tin được lấy từ internet để đào tạo, bao gồm nội dung từ các trang web tin tức.
Các quốc gia trên khắp thế giới vẫn đang cân nhắc các quy tắc để quản lý việc sử dụng AI. Mỹ năm nay cũng đang xem xét một dự luật có tên là Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí, cho phép các đài truyền hình và nhà xuất bản tin tức có ít hơn 1.500 nhân viên toàn thời gian cùng thương lượng tỷ lệ quảng cáo với Google và Facebook.
Trong khi đó, các công ty tin tức cũng đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng AI tổng quát và thương lượng các thỏa thuận với các công ty công nghệ để trao đổi kho nội dung của mình lấy việc đào tạo một mô hình AI tổng quát riêng.
Hãng thông tấn Associated Press (AP) đã ký một thỏa thuận với OpenAI để cấp phép truy cập vào một phần kho lưu trữ của mình, đổi lấy việc sử dụng công nghệ AI tổng quát của công ty này trong một số hoạt động tin tức và kinh doanh.
Hoàng Tôn (theo Reuters)