Cá voi lưng gù con màu trắng quý hiếm bơi cùng mẹ ở rạn san hô Ningaloo, Tây Australia.
Nhiếp ảnh gia Brooke Pyke chụp ảnh mẹ con cá voi lưng gù xuất hiện ở vùng nước cách bờ biển Tây Australia khoảng 2 km hôm 11/7. “Chúng tôi nghe vài tin đồn từ những tàu phía trước rằng có một con cá voi lưng gù nhỏ màu trắng. Chúng tôi đang đi theo hướng mà họ bắt gặp nó thì bất ngờ thấy cá voi lưng gù mẹ khổng lồ trồi lên mặt nước để thở, ngay bên cạnh là cá voi con nhỏ màu trắng sáng”, Pyke kể lại. Cô cho biết, mọi người trên tàu đều kinh ngạc trước khoảnh khắc đặc biệt đó.
John Totterdell, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Cá voi, đã nghiên cứu về cá voi dọc theo bờ biển Tây Australia hơn 30 năm. Ông cùng đồng nghiệp ra ngoài khảo sát hôm 11/7 và cũng bắt gặp cá voi lưng gù trắng.
“Tôi không nghĩ có ai từng thấy cá voi trắng hoàn toàn ở Ningaloo, hoặc có thể có nhưng chắc chắn rất hiếm. Chúng tôi đã nghiên cứu cá voi lưng gù ở đây gần 20 năm, từng thấy một số con trắng nửa cơ thể và phần phía trên. Nhưng tôi chưa từng thấy con nào trắng toàn bộ 100% như thế này”, Totterdell nói.
Các chuyên gia chưa xác định chắc chắn cá voi lưng gù con có mắc bạch tạng hay không. Bạch thể (leucism) là tình trạng một con vật bị thiếu hụt sắc tố, dẫn đến da lông màu nhạt hơn hoặc màu trắng, trong khi bạch tạng (albino) là khi con vật đó trắng hoàn toàn và mắt thường màu hồng hoặc đỏ.
Bờ biển Ningaloo là điểm dừng chân quan trọng với nhiều cặp mẹ con cá voi lưng gù trong chuyến di cư hàng năm từ châu Nam Cực. Totterdell là thành viên của nhóm lấy mẫu sinh thiết trong chương trình Humpback Whale Sentinel, giúp thu thập thông tin về các điều kiện ở khu vực xa hơn về phía nam.
“Bằng cách lấy mẫu mỡ cá voi, chúng tôi có thể biết chúng đã ăn gì trong mùa kiếm ăn trước đó ở châu Nam Cực, từ đó nắm được tình trạng của hệ sinh thái băng biển. Ít nhất 6 quần thể ở Nam Bán cầu đã được lấy mẫu trong mùa sinh sản ở vùng nhiệt đới ngoài khơi châu Phi, Nam Mỹ và Australia”, Totterdell nói.
Totterdell cho biết, cá voi lưng gù cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mang chất dinh dưỡng từ châu Nam Cực đến nuôi dưỡng rạn san hô ở Tây Australia. “Nhiều con non bị cá voi sát thủ tấn công và một lượng lớn xác trôi tới rạn san hô. Vì vậy, có rất nhiều sự trao đổi dưỡng chất đang diễn ra”, ông giải thích.
Thu Thảo (Theo ABC News)