Nhờ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện dịch vụ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) đã khơi mào cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Robot hình người trưng bày tại một hội nghị do Hiệp hội công nghiệp AI Thượng Hải tổ chức ở Trung Quốc hôm 21-2 - Ảnh: AFP
Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu về nhân tài AI trên toàn cầu đã tăng vọt, vượt xa khả năng cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, gây ra tình trạng "khát nhân tài" nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc và Mỹ.
Khi cung không đủ cầu
Cuộc tranh giành nhân tài AI tại Trung Quốc đang trở nên khốc liệt khi các tập đoàn lớn như Xiaomi và Alibaba liên tục củng cố đội ngũ AI, trong khi ngày càng nhiều công ty từ các lĩnh vực khác cũng tham gia vào xu hướng này.
Theo báo Straits Times ngày 21-2, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi mạnh để thu hút nhân tài, thậm chí "săn trộm" từ đối thủ và mở rộng tìm kiếm ra thị trường quốc tế.
Nhu cầu nhân sự tăng vọt này xuất phát từ sự thành công của DeepSeek - công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc với mô hình lý luận mã nguồn mở gây chấn động toàn cầu, tạo ra làn sóng bán tháo cổ phiếu ở các công ty công nghệ Mỹ. Điều này thúc đẩy cuộc đua tìm kiếm nhân tài AI tại Trung Quốc.
Theo nền tảng tuyển dụng Zhilian Zhaopin của Trung Quốc, lượng đơn ứng tuyển vị trí kỹ sư AI tại đây đã tăng 69,6% trong tuần đầu tiên của đợt tuyển dụng mùa xuân bắt đầu từ ngày 4-2.
Tuy nhiên lượng cung vẫn không theo kịp nhu cầu khi dự báo cho thấy đến năm 2030, Trung Quốc sẽ cần 6 triệu nhân sự AI, trong khi nhân lực trong nước chỉ đáp ứng được 1/3, dẫn đến tình trạng thiếu hụt khoảng 4 triệu lao động.
Báo cáo của Đại học Nhân dân Trung Quốc vào tháng 8-2024 cũng nhận định rằng thị trường nhân tài AI tại Trung Quốc đang thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là những lĩnh vực hàng đầu như nhà khoa học AI và những người có chuyên môn liên ngành.
Tình trạng thiếu hụt này không chỉ giới hạn ở Trung Quốc mà còn lan rộng ở Mỹ - quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, nhu cầu về nhân lực AI tại xứ sở cờ hoa cũng tăng vọt.
Báo cáo "Jobs on the Rise" năm 2025 của LinkedIn tiến hành ở thị trường này cho thấy các vị trí như kỹ sư AI và chuyên gia tư vấn AI đang dẫn đầu danh sách các công việc phát triển nhanh nhất, với nhu cầu tăng tới 74% trong bốn năm qua.
Tuy nhiên tương tự như Trung Quốc, Mỹ cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài AI trầm trọng, đe dọa kìm hãm sự đổi mới và tăng trưởng của quốc gia.
Dự kiến nhu cầu tuyển dụng chuyên gia công nghệ sẽ tăng từ 6 triệu việc làm vào năm 2023 lên 7,1 triệu vào năm 2034, khiến ngành này ngày càng phụ thuộc vào AI để bù đắp sự thiếu hụt lao động.
Giải pháp thu hút nhân tài AI
Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tuyển dụng nhân sự AI nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu. Một trong những chiến lược nổi bật nhất là đưa ra mức lương hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài.
Theo ông Jason Yang - CEO của công ty săn đầu người Touch HR có trụ sở tại Thâm Quyến, những người tốt nghiệp tiến sĩ có thể nhận mức lương hằng năm từ 800.000 nhân dân tệ (khoảng 110.000 USD) đến 1 triệu nhân dân tệ, trong khi mức cao nhất mà ông từng thấy được đề nghị cho nhân tài hàng đầu lên tới 10 - 20 triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Trước thực trạng nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, Trung Quốc cũng đẩy mạnh thu hút nhân tài từ nước ngoài, đặc biệt là người gốc Hoa đã học tập và làm việc tại Mỹ.
Quốc gia này cũng tập trung phát triển giáo dục và đào tạo AI trong nước, khi các trường đại học hàng đầu như Đại học Thanh Hoa và Đại học Nhân dân Trung Quốc đã thành lập các khoa AI và xây dựng chương trình giảng dạy chuyên sâu nhằm mở rộng nguồn nhân lực nội địa.
Đáng chú ý hơn 500 trường đại học và cao đẳng đã triển khai chuyên ngành AI kể từ năm 2018, chỉ một năm sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI.
Không đứng ngoài cuộc đua nhân tài AI toàn cầu, Mỹ cũng triển khai nhiều sáng kiến mạnh mẽ nhằm thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực này. Một trong những nỗ lực quan trọng là việc ra mắt Sáng kiến AI vào tháng 2-2019.
Sắc lệnh hành pháp này đã thiết lập chiến lược quốc gia về nghiên cứu và phát triển AI, khuyến khích tăng cường đầu tư từ liên bang, chia sẻ dữ liệu và hợp tác giữa chính phủ, các trường đại học và khu vực tư nhân.
Bằng cách tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới và giáo dục về AI, sáng kiến này đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia hàng đầu trên toàn cầu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của lực lượng lao động AI trong nước.
Bên cạnh đó để cạnh tranh trực tiếp với nỗ lực thu hút nhân tài của Trung Quốc, Chính phủ Mỹ cũng đã điều chỉnh chính sách nhập cư và thị thực nhằm mở rộng cánh cửa cho lao động có tay nghề cao từ khắp nơi trên thế giới.
Các chương trình như thị thực H-1B được thiết kế để thu hút chuyên gia quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và AI, bằng cách đơn giản hóa quy trình xin thị thực và cung cấp các ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài.
Cần cập nhật kỹ năng liên tục
Sự phát triển nhanh chóng của AI cũng đặt ra thách thức lớn trong việc đào tạo và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạp chí Harvard Business Review chỉ ra rằng vòng đời của một số kỹ năng công nghệ đã giảm xuống chỉ còn 2,5 năm, buộc người lao động phải liên tục cập nhật kỹ năng để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Điều này tạo ra áp lực lớn trong việc duy trì lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của ngành AI, đồng thời cho thấy tình trạng thiếu hụt nhân tài AI sẽ tiếp tục là thách thức chung trên toàn cầu những năm tới đây.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cuoc-dua-thu-hut-nhan-tai-ai-toan-cau-20250222063128744.htm
Bình luận (0)