Nhiều trường vẫn ưu tiên xét tuyển
TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Mùa tuyển sinh năm 2024, trường giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như năm 2023, gồm xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Phương thức xét tuyển kết hợp áp dụng với các ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt và ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến. Với thí sinh có chứng chỉ quốc tế tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, trường sẽ áp mức điểm chuẩn của ba môn thi tốt nghiệp THPT thấp hơn so với thí sinh chỉ xét bằng điểm thi. “Điểm mới là trường dự kiến dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp. Năm ngoái, chỉ tiêu tuyển bằng phương thức này chưa tới 20%” – ông Tùng cho hay.
Theo thông báo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhà trường có áp dụng xét tuyển thẳng thí sinh là học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường THPT chuyên (hoặc các trường THPT trực thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM), học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế theo quy định.
Trường ĐH Phenikaa xét tuyển thẳng thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển đạt từ 26 điểm trở lên đồng thời có một trong những chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu cụ thể, được xét tuyển thẳng vào ngành có môn ngoại ngữ tương ứng trong tổ hợp xét tuyển của ngành đó. Các chứng chỉ quốc tế phải còn thời hạn sử dụng tính đến ngày 30/6/2024.
Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, năm 2024, trường xét tuyển theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy chế và đề án tuyển sinh (2%); Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (18%); Xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (80%).
Với phương thức xét tuyển kết hợp, trường tuyển sinh 3 nhóm đối tượng. Nhóm 1 gồm các thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT. Nhóm 2 gồm các thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc của ĐH Quốc gia TPHCM hoặc có điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với một trong các điểm thi đánh giá năng lực nêu trên. Nhóm 3 sử dụng kết hợp điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
PGS.TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết: Nhà trường bắt đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ năm 2018 và các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như: SAT, ACT từ năm 2020, bổ sung chứng chỉ A-level từ năm 2021 để xét tuyển đại học. Hiện, nhà trường có khoảng 20 chương trình được giảng dạy bằng ngoại ngữ. Do đó, việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển là cần thiết. Tuy nhiên, chứng chỉ ngoại ngữ hay đánh giá năng lực quốc tế chỉ là điều kiện cần khi xét tuyển kết hợp vào Trường ĐH Ngoại thương. Ngoài các chứng chỉ này, thí sinh cần những điều kiện khác như: Kết quả học tập THPT hoặc tốt nghiệp THPT, số điểm đạt được khi tham gia thi cấp chứng chỉ…
Chứng chỉ sẽ có lợi cho thí sinh
TS Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, thông tin: Hiện nay, các trường đại học có quyền tự chủ trong tuyển sinh. Cho nên việc có bỏ phương thức xét tuyển qua chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hay không là việc của các trường. Bộ GDĐT không có quy định này.
Bà Phương nói thêm: Theo xu hướng chung, tôi nghĩ sẽ không trường đại học nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Lý do thứ nhất, nước ta đang cố gắng để hội nhập quốc tế và muốn hội nhập, chúng ta phải có ngoại ngữ. Hiện nay, rất nhiều ngoại ngữ khác nhau như: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang được dạy ở Việt Nam. Cho nên nhiều trường sẽ không bỏ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Điểm thứ hai, khi sinh viên vào trường, lúc ra trường bắt buộc phải có chuẩn đầu ra ngoại ngữ, thông thường là tiếng Anh bậc 4/6. Nếu các em đã có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên thì sẽ có điều kiện rất thuận lợi, có thể đạt chuẩn đầu ra luôn.
Tiếp nữa là cơ hội việc làm. Trường ĐH Hà Nội chuyên đào tạo tất cả các ngành bằng tiếng Anh. Chúng tôi đã thống kê, các sinh viên học chuyên ngành bằng ngoại ngữ, khi ra trường thường có mức lương cao hơn từ 1 – 2 triệu đồng so với các em không làm chủ về ngoại ngữ. Đây cũng là điều dễ hiểu, khi có ngoại ngữ tốt, các em sẽ làm được ở những công ty nước ngoài, hoặc công ty có yếu tố nước ngoài… Chính vì vậy, tôi nghĩ sẽ không trường đại học nào bỏ cách xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ.
Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, phương thức xét tuyển qua chứng chỉ ngoại ngữ tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn và phù hợp với tiêu chuẩn đầu ra của các trường đại học. Với một số ngành có yêu cầu cao về năng lực tiếng Anh như: Chương trình liên kết quốc tế; Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh…, việc xét tuyển bằng chứng chỉ này hoàn toàn phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho hay, thay vì là tiêu chí duy nhất để xét tuyển, chứng chỉ ngoại ngữ thường là một trong những tiêu chí để kết hợp với kết quả quan trọng khác của thí sinh như: Học tập THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT…
Ưu thế của chứng chỉ này thường dành cho các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến chất lượng cao, chương trình sinh viên tài năng, kỹ sư tài năng, liên kết với đối tác nước ngoài. Ở những chương trình này, việc đào tạo bằng ngôn ngữ nước ngoài là trọng yếu, do đó chứng chỉ ngoại ngữ là công cụ cần thiết để các em có thể theo học.
Thông thường, mỗi trường sẽ có quy định khác nhau về điểm quy đổi chứng chỉ. Cùng với đó, dù tất cả các chứng chỉ khi sử dụng đều phải còn thời hạn nhưng thí sinh vẫn phải tìm hiểu đầy đủ, rõ ràng các mốc thời gian theo quy định để chủ động nộp hồ sơ xét tuyển đảm bảo hợp lệ, đúng yêu cầu.