Giải thích việc không nâng tuổi nghỉ hưu cấp tướng lên 62 tuổi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang chia sẻ công việc sĩ quan quân đội rất đặc biệt.
Băn khoăn vì sao không nâng tuổi nghỉ hưu với sĩ quan cấp tướng lên 62
Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi, nhiều ý kiến tập trung trao đổi về nâng hạn tuổi nghỉ hưu của sĩ quan tại ngũ.
Quan tâm đến nội dung quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở cấp tướng, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong dự thảo quy định tuổi nghỉ hưu là 60 (áp dụng với cả nam và nữ). Tuổi của nam giữ nguyên, chỉ tăng tuổi của nữ từ 55 lên 60 tuổi so với luật cũ.
"Việc quy định tuổi 60 này chưa đồng bộ với quy định trong Luật Công an sửa đổi vừa qua. Công an quy định tuổi nghỉ hưu đối với cấp tướng nam là 62 và nữ là 60 tuổi. Dự thảo luật cũng chưa tương thích với Luật Lao động, vì luật này quy định độ tuổi nghỉ hưu là nam 62 và nữ là 60 tuổi", ông Mạnh nói.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH Trà Vinh cho rằng, thực tiễn hiện nay có những sĩ quan ở cấp bậc trung và cao cần giữ vị trí quan trọng mà không có người thay thế phù hợp. Vì vậy, việc xem xét kéo dài tuổi phục vụ cho một số chức vụ đặc thù là cần thiết.
Ở nhiều quốc gia có quân đội phát triển, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cũng có sự phân hóa theo cấp bậc, nhưng thường sẽ linh hoạt hơn cho các cấp cao như đại tá hoặc cấp tướng nếu sĩ quan đó có sức khỏe tốt và đóng góp đặc biệt.
Vì vậy, theo ông Bình, việc quy định tuổi nghỉ hưu cố định cho các cấp bậc cao nhất có thể gây hạn chế trong việc tận dụng kinh nghiệm của các sĩ quan kỳ cựu. Do đó, nên xem xét mở rộng thêm 1-2 năm cho một số cấp bậc như đại tá và cấp tướng, tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.
Nên nghiên cứu tuổi nghỉ hưu khác nhau cho từng quân, binh chủng
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau cho từng quân, binh chủng trong luật dựa trên các yếu tố về đặc thù công tác, sức khỏe, yêu cầu nhiệm vụ của từng quân, binh chủng và những lợi ích mà chính sách này có thể mang lại cho lực lượng quân đội.
Giải thích đề xuất, ông Thạch Phước Bình đưa ra nhiều lý do như các quân, binh chủng trong quân đội như bộ binh, pháo binh, hải quân, không quân, đặc công... đều có đặc thù công tác và yêu cầu về sức khỏe khác nhau.
Mỗi quân, binh chủng đều có những yêu cầu và đóng góp đặc thù. Việc áp dụng một mức tuổi nghỉ hưu chung có thể dẫn đến bất công khi yêu cầu về thể lực và cường độ công tác khác nhau.
Chẳng hạn, sĩ quan không quân hoặc hải quân, thường xuyên làm việc trong môi trường nguy hiểm và áp lực cao, sẽ khó duy trì sức khỏe đến mức tuổi nghỉ hưu chung. Nếu tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh phù hợp, các sĩ quan trẻ có cơ hội thăng tiến và đảm nhận trách nhiệm lớn hơn.
"Điều này sẽ tạo động lực phấn đấu và giảm tình trạng "chậm thăng cấp" do nhiều sĩ quan có thâm niên nhưng không đảm bảo sức khỏe vẫn giữ vị trí, gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển của lực lượng trẻ", theo đại biểu Trà Vinh.
Dẫn kinh nghiệm từ các nước và bối cảnh thực tiễn, ông cho biết nhiều quốc gia có quân đội chuyên nghiệp như Hoa Kỳ, Nhật Bản đã áp dụng quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau cho từng binh chủng.
Chẳng hạn Hoa Kỳ quy định các sĩ quan thuộc binh chủng đặc nhiệm và lực lượng phản ứng nhanh có tuổi nghỉ hưu thấp hơn vì tính chất công việc yêu cầu cao về thể lực và phản xạ nhanh nhạy.
Đại biểu Bình cho rằng Việt Nam hiện đang đối mặt với những yêu cầu mới trong bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là trên các vùng biển đảo. Để đáp ứng các nhiệm vụ lâu dài, quân đội cần một lực lượng sĩ quan trẻ, có sức khỏe tốt và khả năng chịu đựng.
Vì vậy, tuổi nghỉ hưu khác nhau sẽ góp phần giúp duy trì đội ngũ sĩ quan có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lý giải
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang làm rõ những băn khoăn về đề xuất nâng hạn tuổi nghỉ hưu với sĩ quan theo dự thảo luật.
Ông cho biết việc nâng hạn tuổi phục vụ sẽ cho phép sĩ quan là cấp trung tá trở xuống khi nghỉ hưu, có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%, phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội.
Bởi theo luật này, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%.
Về ý kiến nên phân chia tuổi nghỉ hưu ở cấp tướng đối với nam - nữ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: "Chúng tôi đã tính đi tính lại, đúng ra nữ quân nhân phải nghỉ sớm vì rất vất vả. Nhưng tính đến nay, hiếm lắm mới có thời kỳ có 3 sĩ quan nữ làm tướng. Cuối cùng, chúng tôi mới quyết định không tách riêng tuổi nghỉ hưu đối tượng nam, nữ".
Với ý kiến băn khoăn vì sao ở cấp tướng quy định nghỉ hưu ở tuổi 60, thay vì lên tới 62 như Luật Công an sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, công việc của sĩ quan quân đội có tính chất đặc biệt nên khó có thể nâng thêm nữa.
Ông lấy ví dụ một sĩ quan tầm 40-45 tuổi, một năm vẫn phải hành quân với bộ đội hàng trăm km. Một ngày đi bộ tới 25-27km, có chặng lên tới 30 km. Nếu không chọn được chỗ ngủ và buộc phải đi cố thêm 1 tiếng nữa, chứ không có chuyện đi 5-10km được lên ô tô ngay.
"Phải rèn từ lúc thời bình. Nếu thời bình chỉ đi ô tô, không rèn luyện đến khi chiến tranh buộc phải đi bộ thì không thể đi được", theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-quoc-phong-ly-giai-de-xuat-khong-nang-tuoi-huu-cap-tuong-quan-doi-192241028180939599.htm
Bình luận (0)