Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết giáo viên vùng cao đang nhận chính sách đặc thù, song vẫn cần thêm ưu đãi để động viên thầy cô.
Tại diễn đàn người lao động năm 2023 tổ chức tại Quốc hội chiều 28/7, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói toàn ngành có hơn 1,6 triệu giáo viên, nhân viên. Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù với giáo viên miền núi, cắm bản, hải đảo, nhưng so với những hy sinh của thầy cô vẫn chưa tương xứng. Do đó, ông đề xuất thêm nhiều chính sách ưu đãi để động viên người lao động.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn. Bộ cũng cùng Bộ Nội vụ nghiên cứu sớm nâng phụ cấp và kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non.
“Cả nước còn 16.000 nhóm trẻ độc lập và những người làm việc tại đây chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Chúng tôi đề nghị công đoàn, địa phương lưu tâm để sớm đưa nhóm này vào diện đóng, hưởng chế độ”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói.
Chung ý kiến với Bộ trưởng Kim Sơn, thầy giáo Trần Mạnh Hùng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa (Quảng Bình) đề nghị có chính sách tiền lương phù hợp cho giáo viên cắm bản, giáo viên mầm non và coi đây là ngành nghề nặng nhọc. “Tôi phải đi dạy cách nhà 70 km. Thực tế, đời sống của những giáo viên vùng cao chúng tôi còn nhiều khó khăn”, anh Hùng nói.
Chị H’Chuyên Niê, Nông trường cao su Cuôr Đăng (Đắk Lắk) nêu thực trạng thịt lợn, giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng trong khi lương tối thiểu của công nhân chưa đủ sống, lương công chức cách xa so với nhu cầu cơ bản. Chị đề nghị Quốc hội giám sát và sớm có biện pháp cải thiện tiền lương tối thiểu, lương cơ sở để lao động yên tâm làm việc.
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết ngày 8/8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đầu để đánh giá thực trạng đời sống lao động, tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, Hội đồng sẽ tính toán, xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Theo ông Dung, ba năm Covid-19, lương cơ sở không tăng nhưng lương tối thiểu vùng vẫn được điều chỉnh, lần gần nhất ngày 1/7/2022; lương hưu, trợ cấp BHXH cũng điều chỉnh thêm 7,4%.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10, Quốc hội sẽ bàn thảo lộ trình cải cách tiền lương trên cơ sở cân đối các nguồn lực, theo Nghị quyết 27 của Trung ương năm 2018. Riêng khu vực doanh nghiệp, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu căn cứ vào mức sống tối thiểu, chỉ số CPI cũng như mối quan hệ hài hòa giữa hai bên vì tiền lương là thu nhập của lao động nhưng cũng liên quan lớn đến chi phí của doanh nghiệp.
Điều hành diễn đàn kéo dài 4 tiếng, ông Huệ coi đây là cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, là kênh để Quốc hội lắng nghe tâm tư lao động nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng.
Theo ông, pháp luật liên quan lao động và công đoàn không ngừng hoàn thiện nhưng còn không ít quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần tiếp thu những bức xúc, bất cập mà cử tri phản ánh để nghiên cứu giải pháp. Vấn đề nào cần điều chỉnh, bổ sung ngay thì có thể đề xuất Quốc hội xem xét.
Sơn Hà – Hồng Chiêu