Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận bản thân ông thấy hồi hộp, căng thẳng trong lần đầu gặp gỡ với hơn 1 triệu giáo viên cả nước.
Ông chia sẻ có người từng khuyên không nên tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại như này vì không thể trả lời hết các câu hỏi ý kiến, khi đó, các thầy cô sẽ chuyển từ sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng hoặc nhỡ trả lời lỡ mồm thì sao….
“Mọi điều đều có thể xảy ra. Tôi vẫn quyết định tổ chức buổi gặp này để lắng nghe tâm tư, chia sẻ cùng thầy cô”, ông nói và nhấn mạnh, đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi để gần gũi và thấu hiểu nhau hơn chứ không phải đối thoại của “ông chủ” và người lao động.
Theo Bộ trưởng, ngành GD&ĐT đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, để làm được những việc này rất cần sự đồng tâm hiệp lực của các thầy cô. “Việc càng khó càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được”, ông Sơn tâm tư.
Đến nay, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến, trong đó, có khoảng hơn 6.000 ý kiến của giáo viên phổ thông, còn lại là ý kiến từ các trường đại học, cao đẳng sư phạm.
Bộ trưởng Sơn cho rằng, để giải đáp hết các ý kiến, tâm tư trên của giáo viên sẽ mấy vài ngày, thậm chí vài tuần. Trong thời gian hạn hẹp của buổi gặp gỡ, Bộ trưởng sẽ trao đổi với đại diện một số giáo viên ở các tỉnh thành, thông qua đó phần nào thấu hiểu được các tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Còn lại, sau buổi đối thoại, các Cục, Vụ sẽ tiếp thục phân nhóm câu hỏi, ý kiến để giải đáp cho thầy cô.
Theo tổng hợp của Bộ GD&ĐT, ở bậc phổ thông các ý kiến của giáo viên liên quan một số nội dung triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); Chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); Điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).
Với đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; Cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, các ý kiến trên cùng thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn. Qua đó phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hà Cường