Những năm qua, việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho bà con đồng bào DTTS được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện và đạt kết quả rất tốt. Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hoài – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết những nét khái quát về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong những năm qua?
Ông Nguyễn Thanh Hoài: Quỳ Châu là huyện miền núi vùng cao thuộc 1 trong 4 huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, huyện có 9 xã và 53 bản đặc biệt khó khăn. Quỳ Châu có tổng diện tích tự nhiên là: 105.746,77ha, với tổng số 14.709 hộ/61.971 nhân khẩu. Trong đó, hộ DTTS là 11.287 hộ/48.254 nhân khẩu, chiếm 76,73%. Tổng số hộ nghèo toàn huyện còn cao, đến cuối năm 2022 là 5.431 hộ, chiếm 37%; trong đó, số hộ nghèo người DTTS là 4.934 hộ, chiếm 90,85% số hộ nghèo toàn huyện. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 31,4 triệu đồng/người/năm.
Tổng diện tích của huyện Quỳ Châu tương đối lớn, tuy nhiên, chủ yếu là đất lâm nghiệp với diện tích 95.871,34ha, chiếm 90,66% diện tích tự nhiên. Do đó, nhân dân không có nhiều quỹ đất bằng để sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo.
PV: Trong những năm qua, việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho bà con đồng bào DTTS được huyện thực hiện như thế nào và những kết quả đạt được cho đến thời điểm này ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hoài: Trong những năm qua, việc bố trí đất ở cũng như đất sản xuất cho đồng bào DTTS được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm thực hiện, đặc biệt, việc bố trí đất sản xuất cho bà con đồng bào DTTS bước đầu đã góp phần ổn định cuộc sống sinh hoạt, sản xuất cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, huyện đã cố gắng thực hiện việc bố trí đất ở cho bà con đồng bào DTTS, đáp ứng tối đa nhu cầu về đất ở cho đồng bào DTTS trên địa bàn, bên cạnh đó, một số gia đình đang sử dụng diện tích khá lớn (do ông bà, bố mẹ khai hoang để lại) nên vấn đề thiếu đất ở ít xảy ra.
Đối với việc bố trí đất sản xuất, những năm qua, số đất bằng, đất trồng lúa đều đã thực hiện giao đến các hộ gia đình. Đối với đất lâm nghiệp, đến nay, tổng giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Quỳ Châu là 94.124,09ha, đạt 98,18% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Đặc biệt, huyện đã bố trí kinh phí để thực hiện việc chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng rừng là 933,5ha. Ngoài ra năm 2018, huyện Quỳ Châu đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 1.442,16ha của các lâm trường nhằm có thêm quỹ đất để giao cho nhân dân sản xuất, đến nay, đã giao được 1.143,6ha cho 318 hộ dân.
PV: Việc thực hiện bố trí đất ở và đất sản xuất cho người dân đồng bào DTTS trên địa bàn huyện còn gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hoài: Trong thời gian qua, công tác thực hiện bố trí đất ở, đất sản xuất được huyện quan tâm thực hiện nhưng còn có những khó khăn sau:
Thứ nhất là khó khăn về quỹ đất, hiện tại ở địa phương chủ yếu là đất rừng tự nhiên, quỹ đất sản xuất để bố trí cho bà con đồng bào DTTS không còn.
Thứ hai là khó khăn về kinh phí, nguồn thu ngân sách trên địa bàn hạn chế nên khó khăn trong việc đảm bảo nguồn kinh phí để xây dựng quy hoạch, tổ chức đo đạc, lập hồ sơ giao các loại đất. Chính sách hỗ trợ kinh phí cho nhân dân trong việc khoanh nuôi bảo vệ rừng triển khai chậm, kinh phí hỗ trợ thấp.
Thứ ba là định mức diện tích đất sản xuất cho đồng bào thiểu số, thời gian qua, việc thu hồi đất từ các lâm trường, Ban quản lý Rừng phòng hộ đã có sự thống nhất về diện tích, tuy nhiên đang khó khăn, vướng mắc thủ tục bàn giao. Hiện nay, các văn bản chỉ quy định hạn mức giao đối với các loại đất mà chưa có quy định cụ thể hạn mức đất áp dụng đối với đồng bào DTTS. Do đó, khi áp dụng quy định để hỗ trợ theo QĐ 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì khó thực hiện.
PV: Xin ông cho biết một số giải pháp trong thời gian tới của huyện cũng như những kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc?
Ông Nguyễn Thanh Hoài: Về giải pháp, huyện sẽ chủ động, tích cực làm việc với các sở, ngành liên quan và các lâm trường, Ban quản lý Rừng phòng hộ trong việc giao đất về cho các địa phương.
Về kinh phí, tập trung lồng ghép từ nhiều nguồn kinh phí để thực hiện quy hoạch, đo đạc, lập hồ sơ giao đất cho người dân.
Quỳ Châu hạn chế về địa hình, eo hẹp về quỹ đất sản xuất nên huyện đã định hướng cụ thể trong Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 là phát triển kinh tế rừng. Do diện tích quy mô không được mở rộng (vì chủ yếu rừng tự nhiên) nên huyện khuyến khích phát triển cây gỗ lớn, phát triển cây, con chủ lực (trâu, bò, vịt bầu…), hướng đến phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Tổ chức hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất phải gắn với mục tiêu ổn định đời sống, phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường sinh thái, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa.
Tăng cường các biện pháp và trách nhiệm quản lý, thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực đất đai. Khẩn trương hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, sơ kết, tổng kết đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS.
Về kiến nghị, theo Luật Đất đai, hiện nay chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS cần cụ thể hơn, nếu chính sách chung chung thì khó thực hiện. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét quy định một mục riêng trong Luật Đất đai cho đồng bào DTTS, ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS, cụ thể: Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể hạn mức diện tích tối thiểu đối với các loại đất như đất ở, đất sản xuất đối với đối tượng đồng bào DTTS để các địa phương có cơ sở áp dụng thực hiện các chính sách cho vùng đồng bào DTTS.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!