Các môn tích hợp được triển khai theo kiểu giáo viên môn nào dạy môn đó, thay vì chỉ cần một người đảm nhiệm, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 24/10 ra văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong việc dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Môn Khoa học tự nhiên có bốn mạch nội dung xuyên suốt, gồm: Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái đất và bầu trời, tương ứng với nội dung của các môn Lý, Hoá, Sinh trước đây.
Bộ đề nghị các trường phân công giáo viên giảng dạy có chuyên môn phù hợp với nội dung, theo mạch chương trình. Thầy cô chủ trì môn học ở mỗi lớp sẽ phối hợp với các giáo viên khác để kiểm tra, đánh giá và thống nhất điểm số của học sinh.
Bộ cho rằng việc để giáo viên dạy từ hai mạch nội dung trở lên hoặc toàn bộ môn phải thực hiện từng bước.
So với hướng dẫn về việc thực hiện chương trình giáo dục trung học ban hành năm 2021 (khi đó mới áp dụng với lớp 6), lần này Bộ nhấn mạnh hơn việc phải đưa giáo viên có chuyên môn phù hợp dạy theo mạch nội dung.
Việc sắp xếp thời khóa biểu cần theo đúng thứ tự mạch, đảm bảo nội dung dạy trước là cơ sở cho nội dung dạy sau chứ không dạy đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ như gợi ý ở công văn cũ. Ví dụ ở chương trình lớp 7, nội dung “Đòn bẩy và mô men lực” cần dạy trước bài “Hệ vận động ở người”.
Với môn Lịch sử và Địa lý, sách tích hợp theo chương trình 2018, đã được sử dụng vài năm nay, in phần Sử và phần Địa riêng biệt, thứ tự trước sau trên một cuốn.
Đến nay, Bộ hướng dẫn các trường có thể bố trí dạy phân môn Sử và Địa đồng thời, tức không cần phải dạy hết Sử mới dạy đến Địa mà có thể dạy song song hai phần kiến thức ở hai phân môn trong cùng một khoảng thời gian.
Việc kiểm tra, đánh giá sẽ phải tương ứng với nội dung và thời lượng dạy của từng phân môn Sử, Địa. Sau đó, một giáo viên chủ trì phụ trách môn Lịch sử và Địa lý của lớp sẽ tổng hợp điểm. Hướng dẫn này không đổi so với hướng dẫn trước đây của Bộ.
Thực tế, hướng dẫn này của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cách mà nhiều trường đã áp dụng – tức dạy môn tích hợp nhưng theo kiểu giáo viên môn nào dạy riêng môn đó. Ví dụ, môn Khoa học tự nhiên sẽ do các giáo viên Hóa, Lý, Sinh giảng dạy, thay vì chỉ cần một giáo viên duy nhất đảm nhiệm. Với môn Lịch sử và Địa lý cũng tương tự. Việc ra đề kiểm tra, chấm điểm cho học sinh cũng do các giáo viên thỏa thuận, phân chia nhau.
Có trường dạy theo mạch chương trình, có trường lại để giáo viên dạy lần lượt từng môn, chẳng hạn dạy hết môn Lý rồi đến môn Hóa, sau đến môn Sinh.
Hướng dẫn mới này được đưa ra sau khi Bộ nhận nhiều ý kiến của giáo viên, nêu các khó khăn trong việc dạy môn tích hợp. Khi chương trình mới áp dụng năm 2021, giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh và Sử, Địa được yêu cầu học bồi dưỡng 6 tháng để về dạy tích hợp. Ví dụ, giáo viên Sử được thêm Địa; giáo viên Sinh học và dạy cả nội dung ở Lý, Hoá.
Tuy nhiên, theo các nhà trường, rất khó để một giáo viên tự tin đứng lớp dạy tích hợp chỉ sau thời gian ngắn như vậy. Mục tiêu của môn tích hợp là giúp học sinh có cái nhìn toàn diện, kết hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, tiết kiệm thời gian trải nghiệm, nhưng thực tế lại giống như môn ghép từ các môn học cũ.
Giữa tháng 8, khi gặp gỡ giáo viên cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận dạy tích hợp là một trong những điểm nghẽn và khó khăn nhất khi triển khai chương trình mới, và có thể được điều chỉnh.
Khi đó, nhiều giáo viên, nhà quản lý đề xuất tách các môn này về thành đơn môn như cũ. Khảo sát của VnExpress hôm 29/8, hơn 3.900 trong số gần 4.400 ý kiến tán thành điều này.
Tuy nhiên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, trưởng Ban nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng rất đáng tiếc nếu môn tích hợp bị tách về từng đơn môn, bởi dạy tích hợp là chủ trương đúng, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực như mục tiêu của chương trình mới. Theo bà, các trường nên được tự chủ việc này. Trường nào làm tốt thì khuyến khích tiếp tục, nơi khó khăn cần được hỗ trợ.