Bình Dương chủ động thích ứng phòng vệ thương mại để hội nhập. |
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, Bình Dương vẫn đạt được những thành tựu kinh tế đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,19%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3% so với cung kỳ năm 2023. Các ngành hàng chủ lực như gỗ, dệt may, da giày đều có sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng được sử dụng nhiều hơn, đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có Bình Dương – địa phương có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng đầu Việt Nam.
Bình Dương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với PVTM. Đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, với vai trò cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công thương, Sở đã triển khai quyết liệt, kịp thời đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Dương…
Trong số đó, công tác hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài là một trong các nội dung quan trọng được Sở đặc biệt quan tâm, do tính chất và vai trò quan trọng của các công cụ phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, việc các cơ quan quản lý nhà nước, các bên liên quan nhận thức đầy đủ về phòng vệ thương mại có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động xuất khẩu, nhằm hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Do đó, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) triển khai một cách kịp thời, đồng bộ các hoạt động phòng vệ thương mại, hỗ trợ ứng phó với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong tỉnh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Cụ thể, trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp, cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương cung cấp thông tin về chính sách, quy định bị cáo buộc trợ cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu, Sở đã thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn các yêu cầu của Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình điều tra: Bao gồm trả lời các câu hỏi về chính sách công thương tại địa phương; phối hợp với các cơ quan liên quan (cơ quan thuế, hải quan, tài chính, tài nguyên – môi trường, ban quản lý các khu công nghiệp…) để thu thập các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài; đề nghị các doanh nghiệp bị điều tra phối hợp đầy đủ, toàn diện để có mức thuế thấp, tiếp tục duy trì được thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, trong các vụ việc chống bán phá giá, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, cơ quan điều tra nước ngoài để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về nội dung và thời hạn của cuộc điều tra.
Theo đó, Sở Công Thương và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã phối hợp, triển khai hiệu quả các công tác hỗ trợ về phòng vệ thương mại, đã và đang tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, ngành hàng lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa.
“Trong nhiều vụ việc phòng vệ thương mại, việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của Sở đã giúp bảo vệ tốt các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, ta đã bảo vệ thành công việc Chính phủ không có bất kỳ hoạt động trợ cấp nào cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Australia, cũng không can thiệp vào thị trường nguyên liệu đầu vào giúp doanh nghiệp có lợi thế bất bình đẳng khi xuất khẩu. Hay trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với tủ gỗ (2022), ta cũng có kết quả tích cực khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ huỷ điều tra chống lẩn tránh và chứng minh được phần lớn doanh nghiệp Việt không xuất sản phẩm thuộc các trường hợp hàng hóa bị áp thuế”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương dẫn chứng.
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp trên địa bàn. |
Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại một cách hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết, thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại triển khai kịp thời, đồng bộ các hoạt động hỗ trợ ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý Nhà nước. Qua đó, nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp thuộc phạm vi địa bàn quản lý.
Trong 8 tháng năm 2024, các hoạt động hỗ trợ phòng vệ thương mại đã góp phần quan trọng cho việc hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực và khả quan. Đặc biệt, kết quả này cho thấy năng lực của các doanh nghiệp đã cải thiện nhiều nhờ công tác quản lý nhà nước, cũng như việc doanh nghiệp thích ứng và tận dụng được cơ hội của thị trường, điều này tạo niềm tin tăng trưởng tích cực trong cả năm.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 9-10% đã đề ra năm 2024, trong những tháng còn lại của năm 2024, ngành Công Thương tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu củng cố các thị trường xuất khẩu chủ lực, khai thác thị trường mới; mở rộng thị trường các nước có lợi thế và giảm thiểu tối đã nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các cam kết FTA mà Việt Nam đã ký kết./..
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/binh-duong-ho-tro-doanh-nghiep-chu-dong-phong-ve-thuong-mai-679246.html