Trong nhiều tháng qua, lạm phát và giá năng lượng tăng cao, nguồn cung tắc nghẽn trong khi cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước sụt giảm đã “phủ bóng đen” lên nền kinh tế Đức và gây ra những biến động khác với quy luật phát triển kinh tế thông thường.
Nếu suy thoái tiếp tục kéo dài, kinh tế Đức sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng thực sự. (Nguồn: Euractiv) |
Đức đã chính thức bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật sau khi số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 2 quý liên tiếp.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong quý đầu tiên năm nay tiếp tục giảm 0,3%, sau khi đã ghi nhận mức giảm 0,2% trong quý cuối cùng của năm ngoái.
Những tác động mọi mặt từ đại dịch Covid-19 rồi tiếp đó là cuộc xung đột tại Ukraine đang đẩy kinh tế Đức đến bờ vực khủng hoảng trầm trọng.
Nếu suy thoái tiếp tục kéo dài, Đức sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp và vỡ nợ sẽ gia tăng, hàng hóa ứ đọng, sản xuất đình đốn, thị trường chứng khoán và các ngân hàng sụp đổ… Tất cả sẽ tạo nên một kịch bản ác mộng cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ Đức lúc này là ngăn chặn nền kinh tế tiếp tục trượt trong suy thoái và từng bước kiểm soát để thoát dần suy thoái kỹ thuật trong thời gian sớm nhất có thể.
Chính phủ có thể sử dụng ngay các công cụ sẵn có lúc này là các gói cứu trợ dành cho các công ty và người dân thông qua việc cắt giảm thuế và các khoản trợ cấp, như cách mà Chính phủ Đức đã làm khi giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng năng lượng cách đây vài tháng.