Trong nhiều năm, các đơn đặt hàng từ Trung Quốc đã giúp tạo ra hàng nghìn việc làm được trả lương cao ở Đức. Nhưng khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, nhu cầu đối với hàng hóa Đức đã thấp hơn và khiến nhiều doanh nghiệp của đầu tàu châu Âu gặp khó.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2022, xuất khẩu từ Đức sang Trung Quốc đã giảm 9% vào năm 2023, mặc dù kinh tế đất nước châu Á vẫn tiếp tục tăng trưởng. (Nguồn: Reuters) |
Nền kinh tế Đức đã mắc kẹt trong khủng hoảng trong hai năm qua. Giá năng lượng cao, thủ tục hành chính rườm rà, đầu tư chậm trễ vào cơ sở hạ tầng và nhu cầu suy yếu ở các thị trường nước ngoài quan trọng đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại cũng là một tác nhân lớn.
Xuất khẩu từ Đức sang Trung Quốc giảm mạnh
Từ lâu, “gã khổng lồ” châu Á đã là thị trường quan trọng đối với các công ty công nghiệp Đức, đặc biệt là trong các lĩnh vực ô tô, máy móc và hóa chất. Và các đơn đặt hàng từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giúp người dân Đức có những công việc được trả lương cao.
Dù vậy, những thách thức kinh tế bao gồm khủng hoảng thị trường bất động sản, căng thẳng thương mại và các vấn đề nhân khẩu học đã làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng, khiến đất nước tỷ dân tăng trưởng chậm lại. Điều này cũng dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa Đức thấp hơn.
Theo báo cáo do Rhodium Group, xuất khẩu của Berlin sang Bắc Kinh đã tăng trưởng ở mức hai chữ số trong những năm 1990 và 2000, nhưng tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại từ một thập niên trước.
Báo cáo nêu rõ: “Sau khi đạt đỉnh vào năm 2022, xuất khẩu từ Đức sang Trung Quốc đã giảm 9% vào năm 2023, mặc dù kinh tế đất nước châu Á vẫn tiếp tục tăng trưởng”.
Trong bối cảnh phải vật lộn để ứng phó với môi trường kinh doanh đầy thách thức, nhiều công ty Đức – bao gồm những tên tuổi lớn như Volkswagen, BASF, Continental và ZF… – đã phải công bố các biện pháp để đối phó như tái cấu trúc, cắt giảm chi phí và cắt giảm việc làm
Tại Đối thoại toàn cầu Berlin diễn ra mới đây, Giám đốc điều hành Mercedes-Benz Ola Kallenius cho biết, “sức khỏe” của ngành bất động sản có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ở đất nước này, nhiều doanh nhân đang “chờ đợi và quan sát”.
Trung Quốc tung gói kích thích khủng
Để đảo ngược tình trạng suy thoái kinh tế, Trung Quốc gần đây đã tung ra một loạt biện pháp kích thích tiền tệ mới, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất. Các nhà lãnh đạo quốc gia này cũng ra tín hiệu hỗ trợ tài chính để phục hồi tăng trưởng và ổn định thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng xuống 0,5 điểm %, giúp có thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 142 tỷ USD) cho các khoản cho vay mới.
Nhà phân tích Julian Evans-Pritchard của Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics khẳng định: “Đây là gói kích thích kinh tế quan trọng nhất của PBOC kể từ đại dịch Covid-19”.
Gói kích thích kinh tế được xem là bước đi quan trọng đầu tiên trong việc phục hồi tăng trưởng của Bắc Kinh và đã nâng cao tâm lý nhà đầu tư, tạo nên đợt tăng giá mạnh trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters (Anh), Bộ Tài chính Trung Quốc đang có kế hoạch phát hành 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu chính phủ đặc biệt trong năm nay. Số tiền huy động được sẽ phân bổ đều cho hai mục tiêu kích thích tiêu dùng và hỗ trợ chính quyền các địa phương giải quyết nợ nần.
Với gói kích cầu mới, Bloomberg Economics và nhiều tổ chức dự báo khác, dự báo Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5% trong năm nay.
Nhiều công ty Berlin đang đầu tư mạnh vào Bắc Kinh và áp dụng phương pháp sản xuất “tại Trung Quốc, vì Trung Quốc”. (Nguồn: Reuters) |
Có đủ cứu vãn tình hình xuất khẩu của Đức?
Theo đánh giá của giới quan sát, động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc có thể có tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả nền kinh tế Đức.
Ông Ola Kallenius cho hay, tình hình ở Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với Mercedes-Benz trong vài năm tới.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ vậy. Trong hai thập niên qua, nhu cầu về hàng hóa và công nghệ của Đức ở Trung Quốc rất cao.
Nhưng Noah Barkin và Gregor Sebastian, hai chuyên gia tại Rhodium Group nhận thấy, “có những dấu hiệu chứng minh xuất khẩu của Berlin sang Bắc Kinh đang bước vào giai đoạn suy giảm về mặt cấu trúc do sự thay đổi động lực cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô, chính sách thay thế nhập khẩu của Trung Quốc và làn sóng nội địa hóa của các công ty Đức tại Trung Quốc.
Điều này có thể dẫn đến sự xói mòn dần dần mối liên kết giữa sản xuất tại đầu tàu châu Âu và doanh số bán hàng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.
Hơn nữa, hiện tại, nhiều công ty Berlin đang đầu tư mạnh vào Bắc Kinh và áp dụng phương pháp sản xuất “tại Trung Quốc, vì Trung Quốc”. Xu hướng này nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với các công ty Đức.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Đức, trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc lên tới 7,28 tỷ Euro (tương đương 8,03 tỷ USD), cao hơn gần 13% so với tổng con số của năm 2023 là 6,5 tỷ Euro.
Trở lại với gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, chuyên gia Zenglein của MERICS khẳng định, các biện pháp kích thích này sẽ không tập trung vào các lĩnh vực đặc biệt có liên quan đến Đức.
Ông nhấn mạnh: “Môi trường thị trường đã thay đổi, với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ chính các doanh nghiệp của Trung Quốc. Vì vậy, doanh nghiệp Đức nên tìm hướng đi mới”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/trung-quoc-tung-goi-kich-thich-khung-keo-tieu-dung-nuoc-duc-chua-the-tho-phao-289537.html