(NB&CL) Những biến động địa chính trị, xung đột vũ trang, khủng hoảng kinh tế hậu đại dịch, biến đổi khí hậu và làn sóng cánh hữu đang mở đường cho chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy mạnh mẽ, khiến cuộc chiến thương mại trở nên sâu sắc hơn vào năm 2024 và có thể gia tăng ở quy mô toàn cầu vào năm 2025.
Ba siêu cường kinh tế cạnh tranh quyết liệt
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Peterson (Mỹ), một trong 20 tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến tiếp tục duy trì tốc độ 3,2% đang đạt được hiện tại trong năm 2025. Nhưng các yếu tố địa chính trị, bao gồm những thay đổi tiềm tàng về chính sách kinh tế của Mỹ, sẽ gây ra rủi ro cho các dự báo. Trong đó, đáng kể nhất là những thay đổi về thuế quan và chính sách công nghiệp ở Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) – ba nền kinh tế chiếm 42% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu.
Ba nền kinh tế thống trị thế giới này đang bước vào một giai đoạn mới, mang tính đối đầu khi ngày càng sử dụng nhiều vũ khí thương mại mượn từ chính đối thủ cạnh tranh. Điều đó đe dọa làm sâu sắc thêm các rạn nứt quốc tế và thách thức nhiều thập kỷ thương mại thế giới được dẫn dắt bởi những nguyên tắc của thị trường tự do.
Cách đây 7 năm, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc chính thức nổ ra khi người đứng đầu Nhà Trắng lúc ấy, Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế lên đến 25% đối với khoảng 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc cũng áp mức thuế mới, cao hơn đối với nhiều loại hàng hóa quan trọng của Mỹ xuất khẩu sang đại lục.
Từ đó đến nay, sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới hai nước, tác động mạnh mẽ tới kinh tế toàn cầu. Hiện tại, nguy cơ của một cuộc chiến thương mại mới cũng gia tăng bởi không chỉ Trung Quốc và Mỹ mà cả EU cũng nhập cuộc và đều đang xem việc sử dụng thuế quan như “vũ khí” hàng đầu trong nỗ lực bảo hộ hàng hóa của mình.
Tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã công bố quyết sách mới là áp thuế 25% với tất cả hàng hóa từ Mexico và Canada, đồng thời áp thuế bổ sung 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 60%. Ông Trump cũng xem xét áp dụng mức thuế quan lớn hơn đối với ô tô từ Liên minh châu Âu, một động thái có thể khiến khối này thiệt hại hàng triệu xe trong doanh số hàng năm.
Đáp lại động thái của Mỹ, Trung Quốc đã gửi đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng áp dụng mức thuế lên đến 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng Bắc Kinh còn phải xử lý một mối đe dọa khác đến từ châu Âu. EU sau khi kết thúc cuộc điều tra về trợ cấp xe điện, đã đưa ra mức thuế lên đến 35,3% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, áp dụng trong 5 năm.
Trước những đe dọa nhằm vào ngành công nghiệp ô tô từ EU, Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu thu thuế chống bán phá giá tạm thời từ 30,6% đến 39% đối với rượu mạnh của khối này, chủ yếu là đối với những loại rượu cognac từ Pháp. Một động thái gợi nhớ đến việc Bắc Kinh từng áp mức thuế quan lên đến 218,4% đối với rượu vang của Úc cách đây 3 năm, khiến xứ sở chuột túi thiệt hại mỗi năm hơn 1 tỷ USD.
Chủ nghĩa thuế quan và bảo hộ đang gia tăng
Trước những đòn tấn công qua lại, cả EU và Trung Quốc đều kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và cũng có những bước đàm phán với nhau. Tuy nhiên, xe điện hay rượu mạnh chỉ là phần nhỏ của vấn đề, khi mà chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo ở cả Trung Quốc, châu Âu cũng như Bắc Mỹ. Trên khắp 27 thủ đô của EU, những lời kêu gọi bảo hộ đang ngày càng lớn hơn.
Mới đây, ông Mario Draghi – cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu đã kêu gọi bảo vệ ngành công nghiệp của khối để tránh tụt hậu hơn nữa trong cuộc đua với các nhà sản xuất Mỹ và Trung Quốc. “Các khu vực khác không còn tuân thủ luật lệ nữa và đang tích cực đưa ra các chính sách để nâng cao vị thế cạnh tranh của mình”, ông tuyên bố.
Mức thuế quan trung bình toàn cầu giảm từ khoảng 22% vào năm 1990 xuống còn khoảng 6% vào năm 2022, song các biện pháp can thiệp thương mại dưới hình thức phi thuế quan và trợ cấp lại tăng lên. Một theo nghiên cứu của NatWest Grpup – tập đoàn tài chính có trụ sở tại London (Anh), cho biết, số lượng các biện pháp can thiệp hạn chế thương mại hàng hóa trên toàn cầu đã tăng vọt từ khoảng 200 vào năm 2009 lên gần 12.000 vào năm 2024.
Hơn nữa, phạm vi của những hạn chế này đã mở rộng từ các lĩnh vực truyền thống như kim loại và nông nghiệp sang các lĩnh vực chiến lược như xe hơi và chất bán dẫn. Và chủ nghĩa bảo hộ cũng xuất hiện dưới những hình thức mới. Nhiều chính phủ đang phân bổ các khoản trợ cấp “xanh” để khuyến khích việc đưa sản xuất trở lại trong các ngành công nghiệp chính và giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ và đầu vào nhập khẩu.
Các ví dụ gần nhất có thể kể ra như “Đạo luật Giảm lạm phát” tại Mỹ và “Thỏa thuận xanh” của châu Âu cũng như các biện pháp liên quan đến môi trường trong những đợt đánh giá chính sách thương mại vốn đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, tạo nên một làn sóng “chủ nghĩa bảo hộ xanh” mới.
Những diễn biến kể trên, cùng với việc căng thẳng địa chính trị làm đảo lộn các tuyến đường vận chuyển – gây ra rủi ro cho thương mại hàng hải và chuỗi cung ứng toàn cầu, đã làm giảm tăng trưởng khối lượng thương mại của thế giới. Từ mức tăng trung bình 5,8% hàng năm vào đầu những năm 2000, khối lượng thương mại toàn cầu chỉ còn tăng trưởng khoảng 1% trong những năm gần đây.
Những số liệu khá bi quan này cũng là lăng kính phản ánh các hàng rào thuế quan được dựng lên ngày một nhiều, và dự báo còn nhiều hơn nữa. Và có thể nói sẽ không có bên nào thực sự chiến thắng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Thực tế đã chứng minh, các quốc gia phải đối mặt với thuế quan, bao gồm cả Mỹ, đều trải qua sự sụt giảm trong xuất khẩu và GDP. Các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua nhu cầu yếu hơn đối với hàng xuất khẩu của chính họ.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://www.congluan.vn/cuoc-chien-thuong-mai-va-chu-nghia-bao-ho-ngay-cang-sau-sac-va-lan-rong-post327790.html