TP HCMĐược xây hiện đại, tiện nghi, song bến xe Miền Đông mới ngày gần Tết thưa người, “lép vế” trước cảnh ôtô tấp nập bắt khách ở trạm xăng, điểm đón ven đường.
Chiều cuối tháng 1, chị Bùi Diễm, 35 tuổi, công nhân nhà máy ở TP Thủ Đức, cùng em gái lỉnh kỉnh hành lý đón taxi ra quốc lộ 1, đoạn gần ngã tư Linh Xuân chờ ôtô về Bình Định. Họ đặt vé giường nằm của nhà xe Thành Long để về quê cách đây hơn một tháng, nhưng chưa biết giá cước bởi sau khi chốt thời gian, hãng hẹn tới địa điểm trên chờ lên xe, rồi mới thanh toán.
“Ngày thường giá vé từ TP HCM về Bình Định gần 400.000 đồng, dịp Tết có thể tăng gấp hơn hai lần nhưng tôi chấp nhận vì xe về gần nhà, lại dễ đón”, chị Diễm nói, cho biết dù giá vé cao hơn nhà xe bán trong bến Miền Đông mới, TP Thủ Đức, nhưng do đường vào bến xa, bất tiện, lại khó đặt vé giường nằm có cùng chặng đường nên chị không vào mua.
Khác chị Diễm, Nguyễn Khánh, 25 tuổi, làm việc trong Khu Công nghiệp Sóng Thần, cũng ra quốc lộ 1 đón ôtô khách về Quảng Ngãi nhưng anh không đặt vé trước mà “tiện xe nào, đi xe đó”. “Tôi về quê một mình, lại mang ít hành lý nên không cần chuẩn bị nhiều. Thay vì tốn thời gian và mất thêm tiền đi xe ôm đến bến thì đón ở đây tiện hơn”, anh nói.
Quốc lộ 1 đoạn gần ngã tư Linh Xuân là một trong những địa điểm TP HCM cho ôtô chạy tuyến cố định dừng đón trả khách, để những người sống gần khu vực thuận tiện lên xe thay vì phải đi vòng vào bến. Ôtô khách ghé địa điểm này đa phần về miền Trung và Bắc. Tuy nhiên, nhiều “xe dù” gắn mác chạy hợp đồng cũng tấp vào khu vực trên chèo kéo khách.
Thời gian được dừng, đỗ ở đây chỉ giới hạn 3 phút, nhưng nhiều xe liên tục xi-nhan, mở sẵn cửa, đậu 30 phút đến cả giờ để gom khách. Một số thời điểm, gần chục ôtô nối hàng dài, phía dưới cả trăm khách đứng, ngồi khiến khu vực như bến xe thu nhỏ.
Cách đó hơn 4 km, quốc lộ 1 đoạn qua trạm xăng Tam Bình 2 cũng là nơi quen thuộc của nhiều người tới đón xe. Ở địa điểm này, nhiều “xe dù” tấp vào đậu sẵn, chờ gom khách đã đặt chỗ từ trước hoặc người đi vãng lai. Buổi tối, xe đón, trả khách ở khu vực trên càng rầm rộ, công khai. Tình trạng này cũng bùng phát ở nhiều cây xăng, bãi giữ xe trên các tuyến quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội… do nhu cầu đi lại dịp Tết tăng cao.
Đối lập với cảnh xe đón khách rầm rộ bên ngoài, bến Miền Đông mới những ngày gần đây thưa người dù chỉ còn 10 ngày là tới Tết Nguyên đán. Đây là bến xe được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, lớn nhất nước, có thể phục vụ hàng triệu khách mỗi năm. Tuy vậy, sau khi đưa vào khai thác giai đoạn một hơn 3 năm nay, bến luôn trong cảnh vắng khách.
Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó giám đốc bến xe Miền Đông mới, cho biết vài tháng gần đây khách qua nơi này tăng so với trước do vào mùa Tết, nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Thống kê trong tháng 1, bình quân mỗi ngày ở bến có 274 lượt xe xuất phát chở khoảng 4.000 khách, chỉ đạt gần 5% công suất. Ngoài nguyên nhân bến xe nằm xa nội thành, giao thông kết nối chưa thuận tiện, ông Hải cho biết còn do “xe dù, bến cóc” bùng phát dịp cuối năm, ảnh hưởng doanh nghiệp trong bến.
Hiện, bến Miền Đông mới có 96 đơn vị vận tải đăng ký tuyến cố định, nhưng thực tế chỉ 57 doanh nghiệp hoạt động vì nhiều hãng cho xe ra ngoài, hoặc chuyển sang bến khác. Trong khi luồng tuyến từ một số bến liên tỉnh ở TP HCM lại có lộ trình ngang qua bến mới, nên nhà xe hẹn khách trước rồi đón trên đường khiến bến càng khó thu hút người đi. Chưa kể, nhiều ôtô chạy sai hành trình để gom khách, làm nhà xe ở bến thêm khó khăn.
Để hạn chế tình trạng trên, lãnh đạo bến xe Miền Đông mới đã kiến nghị cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra xe kinh doanh vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình. Việc này giúp xác định ôtô đăng ký ở bến có đi đúng tuyến hay không, hoặc những xe gắn mác hợp đồng song hoạt động như tuyến cố định nhằm kịp xử lý và hạn chế “xe dù, bến cóc”.
Mặt khác, phía bến xe cũng đề xuất thành phố dừng cho ôtô tuyến cố định đón, trả khách trên đường Mai Chí Thọ và đoạn gần ngã tư Linh Xuân nhằm hạn chế tình trạng xe đón trả khách gây mất an toàn giao thông cũng như giảm ùn tắc.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết nhu cầu đi lại dịp Tết tăng cao nên giao thông ở một số khu vực cũng căng thẳng hơn, trong đó tình trạng “xe dù, bến cóc cũng gia tăng. Thống kê sơ bộ, trên địa bàn hiện còn 60 điểm đón, trả khách không đúng quy định. Các đơn vị chức năng đang tập trung kiểm tra, xử lý, nhất là ở khu vực cửa ngõ và xung quanh các bến xe.
Riêng bến Miền Đông mới, ông Hải cho biết nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm tăng hiệu quả khai thác. Trong đó, nhiều tuyến buýt đã được bố trí kết nối trực tiếp vào nơi này, mạng lưới ôtô trung chuyển chở khách miễn phí cũng đang triển khai. Đồng thời, các hạng mục thuộc dự án cầu vượt, hầm chui trước bến xe cũng sắp đưa vào khai thác tạo thuận lợi cho ôtô khách qua lại.
Ngoài ra, theo kế hoạch Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sẽ vận hành từ tháng 7 năm nay, kết nối đến bến xe bến xe Miền Đông mới giúp khu vực thành đầu mối giao thông với nhiều loại hình vận tải hành khách cỡ lớn, trung chuyển đi liên tỉnh và ra vào trung tâm thành phố. Thành phố cũng đang triển khai dự án tăng kết nối xe buýt với tuyến đường sắt này, trong đó các tuyến buýt sẽ liên kết với bến xe tạo thành mạng lưới giao thông công cộng cho cả khu vực.
Trước đó, TP HCM đã cấm ôtô dừng, đậu ở nhiều tuyến đường nội thành, nhằm hạn chế xe đón, trả khách dọc đường và góp phần hạn chế ùn tắc. Một số “điểm nóng” cũng được gắn thêm camera phạt nguội ôtô, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng, chỉ giảm mỗi khi có đợt ra quân rồi lại tái diễn. Đầu năm ngoái, thành phố đã cấm xe giường nằm vào nội đô 6-22h, đang tính toán tăng thời gian lên 24/24h, nhằm giảm tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Gia Minh