Xây dựng trung tâm tài chính mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế. Ảnh minh họa: Nguyễn Trình
Ngày 23.2, thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, các bộ ngành liên quan vừa có ý kiến thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết để hình thành Trung tâm tài chính khu vực, quốc tế thành công; giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam theo 3 nhóm chính sách gồm: thành lập Trung tâm tài chính và các cơ quan thuộc Trung tâm tài chính (gồm: Ủy ban quản lý điều hành, Ủy ban giám sát tài chính; Trung tâm trọng tài quốc tế); các chính sách áp dụng đối với Trung tâm tài chính; chính sách quản lý nhà nước đối với Trung tâm tài chính.
Đối với chính sách về tài sản mã hoá, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, dù dự thảo Nghị quyết có những quy định vượt trội so quy định hiện hành nhưng các khái niệm được sử dụng trong dự thảo phải thống nhất với hệ thống pháp luật.
Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các khái niệm về tài sản mã hoá trong dự thảo Nghị quyết với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Công nghiệp công nghệ số.
Về tỉ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong Trung tâm tài chính, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết các quy định này liên quan trực tiếp đến các cam kết thương mại và đầu tư của Việt Nam. Do đó, việc dự thảo Nghị quyết quy định không áp dụng hạn chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài tại Trung tâm tài chính cần được rà soát thêm để hạn chế rủi ro vi phạm các nghĩa vụ trong các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam.
Về thời điểm thành lập sàn giao dịch chuyên biệt, giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong Trung tâm tài chính…, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá thêm về thực tiễn và khả năng hoàn thiện pháp lý liên quan để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp.
Bên cạnh đó, vị này nhất trí phải có cơ chế ưu đãi vượt trội về thuế, phí cho Trung tâm tài chính. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để xác định mức ưu đãi theo định hướng của Đảng, Nhà nước và phù hợp với quy định về thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là cần thiết. Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết này phải xây dựng được các cơ chế, chính sách vượt trội, nâng cao tính cạnh tranh nhưng cũng phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/chinh-sach-vuot-troi-cho-trung-tam-tai-chinh-tai-viet-nam-1467437.ldo
Bình luận (0)