LTS: Sự phát triển vũ bão của công nghệ số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin. Trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động, thay vì báo in, truyền hình, truyền thanh truyền thống. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải không ngừng chạy đua, đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều vào tương tác với người dùng. 

Bên cạnh đó, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.

Nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2024, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài “Báo chí song hành cùng công nghệ”.

Sự phát triển vũ bão của công nghệ số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin. Đứng trước làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành báo chí truyền thông đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi lớn.

Để tìm lời giải, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT); ông Phúc đã chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc về thực trạng, thách thức cũng như định hướng phát triển của báo chí Việt Nam trong thời đại số.

Thưa ông, đâu là thách thức mà các tòa soạn báo ở Việt Nam hiện phải đối mặt?  

Cục trưởng Lưu Đình Phúc: Chuyển đổi số và cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xuyên biên giới là những thách thức lớn đối với báo chí hiện nay. Độc giả báo chí in suy giảm mạnh, có một lượng lớn độc giả chuyển sang tiếp cận với tin tức số. Doanh thu của báo chí truyền thống cũng đang suy giảm, trong khi doanh thu quảng cáo trên các nền tảng số xuyên biên giới chiếm ưu thế chi phối. 

Quy mô doanh thu ngành truyền thông hiện khoảng 4 tỷ USD. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng và tiềm năng của ngành này ở nước ta trong việc tạo ra giá trị kinh tế. Thế nhưng, 50% doanh thu quảng cáo lại đang chảy vào các nền tảng xuyên biên giới. 

Việc dữ liệu bị các nền tảng xuyên biên giới thu thập sẽ khiến các tờ báo và cơ quan truyền thông trong nước mất đi phần lớn doanh thu quảng cáo, đồng thời cũng đặt ra thách thức về việc mất sự kiểm soát và quyền sở hữu dữ liệu.

Áp lực lớn đặt lên vai báo chí hiện nay là phải đổi mới nội dung và cách thức truyền tải thông tin, bên cạnh đó là vấn đề nguồn nhân lực số và tư duy chuyển đổi số, đầu tư cho công nghệ số trong khi nguồn lực hạn hẹp… Do vậy, rất cần sự thống nhất trong nhận thức và tầm nhìn chiến lược để giải bài toán khó này.

Cục trưởng Cục Báo chí – Lưu Đình Phúc. Ảnh: NVCC

Xu hướng công nghệ nào đang thay đổi cách sản xuất và phân phối nội dung báo chí? 

Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Blockchain, IoT, điện toán đám mây, sản xuất video và nội dung đa phương tiện, tích hợp trên các nền tảng, thực tế ảo… đang làm thay đổi cách thức vận hành, sản xuất, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh của báo chí truyền thống. Trong bối cảnh đó, các tòa soạn không còn cách nào khác ngoài việc phải chuyển đổi số, liên tục cập nhật và thử nghiệm công nghệ mới để không bị tụt hậu. 

Có quan điểm cho rằng, cơ quan báo chí cần phải trở thành các công ty công nghệ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? 

Báo chí phải gắn với công nghệ số để tồn tại và phát triển. Trong quá trình chuyển đổi số, báo chí phải gắn với công nghệ, phát triển đa nền tảng, đa dịch vụ, như một công ty công nghệ vậy. Nhưng theo tôi, đó là quá trình chuyển đổi số chứ không phải là bản chất của báo chí như nó vốn có. 

Công ty thì hay đề cao tối ưu hóa lợi nhuận, trong khi báo chí có sứ mệnh là cung cấp thông tin chính xác, khách quan, minh bạch, phục vụ nhu cầu thông tin của người dân, tạo đồng thuận xã hội, xây dựng niềm tin xã hội, liên quan đến vấn đề đạo đức và bảo vệ lợi ích cộng đồng. Để làm tốt sứ mệnh này, báo chí phải giữ được công chúng. 

Chỉ làm tốt về nội dung thôi thì chưa đủ. Sản phẩm báo chí thời đại AI là sự kết hợp giữa nội dung và công nghệ. Thực tế, nhiều tòa soạn đang dựa vào công nghệ số để tồn tại và phát triển. Sản phẩm báo chí phải dựa vào công nghệ để có trải nghiệm tốt nhất, cá thể hóa nội dung và tiếp cận rộng rãi công chúng. 

Chỉ khi giữ được công chúng thì báo chí mới có vai trò giữ nhịp định hướng thông tin và giữ vững trận địa thông tin được. 

Một sạp báo trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Với sự phổ biến của không gian mạng, ông đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ số trong việc quản lý báo chí? 

Như đã nói ở trên, báo chí bây giờ là báo chí số. Đối tượng thụ hưởng thông tin trên môi trường số. Tuyên truyền cũng trên môi trường số. Và vì thế, quản lý cũng phải bằng công nghệ số. Xây dựng chính sách quản lý nội dung phải gắn với công nghệ, dùng công nghệ để giải bài toán quản lý nội dung. 

Nhiệm vụ nặng nề cho báo chí hiện nay là phải giữ được độc giả, phải đổi mới, đi vào công nghệ số. Quản lý lĩnh vực báo chí nếu chỉ có nhận thức chính trị vững vàng thôi thì chưa đủ, mà phải có tư duy công nghệ và đổi mới để thúc đẩy, hỗ trợ báo chí phát triển hiện đại.

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh việc “phát triển báo chí chuyên nghiệp nhân văn hiện đại”. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng cơ quan báo chí mạnh để làm chủ mặt trận thông tin trên không gian mạng. Do đó, báo chí phải gắn với công nghệ số, có “chính sách số”, “quản lý số”.

Cơ quan báo chí nên áp dụng công nghệ số như thế nào để nội dung vừa hiệu quả trong tuyên truyền chính trị, vừa hấp dẫn người xem? 

Các cơ quan báo chí cần dựa vào định hướng phát triển để có mức đầu tư công nghệ số thích hợp. 

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi phương thức làm báo truyền thống, như việc viết tin bài tự động, phân tích hành vi độc giả để đề xuất nội dung, tăng cường tương tác với độc giả, phát hiện nguồn tin gốc. 

Hay công nghệ phân tích dữ liệu lớn giúp hiểu rõ thói quen người dùng, tối ưu hóa quảng cáo, phát hiện chủ đề nóng trên mạng… Các cơ quan báo chí cần ứng dụng các công nghệ này để tối ưu hoá trải nghiệm của độc giả. 

Người dân ở đâu báo chí phải ở đó. Báo chí phải sản xuất được các nội dung đa phương tiện gắn với tương tác nhanh, trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, phát triển các loại hình sản phẩm mới như podcast, hay trình bày đồ hoạ, kể câu chuyện bằng hình ảnh 3D, mô phỏng bằng thực tế ảo, chatbot và tương tác tự động…

Các công nghệ mới sẽ giúp cơ quan báo chí duy trì kết nối và phát triển độc giả, từ đó làm tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền của mình. 

Trợ lý ảo hỏi đáp thông tin kinh tế Askonomy của Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Làm sao để Việt Nam phát triển một hệ sinh thái báo chí số mạnh? Việc gắn khối báo chí đi cùng với khối công nghệ liệu có phải câu trả lời?

Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về chuyển đổi số đã nhấn mạnh chuyển đổi số là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. 

Tổng Bí thư có nhắc đến “phương thức sản xuất số” với tầm nhìn chiến lược. Phương thức sản xuất thay đổi thì lực lượng sản xuất phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan ấy, và vì thế, xu hướng báo chí gắn với công nghệ là điều tất yếu.

Báo chí phải gắn liền công nghệ. Đó là xu thế tất yếu khách quan. Để phát triển hệ sinh thái báo chí số, cần hoàn thiện về hành lang pháp lý, từ đó thúc đẩy sáng tạo nội dung, quản lý tốt nội dung. 

Nghị định 147 về quản lý nội dung trang thông tin điện tử, mạng xã hội vừa được Chính phủ ban hành đã có những quy định chặt chẽ quản lý nội dung trên môi trường số. Bộ TT&TT cũng đang chủ trì xây dựng Luật Báo chí sửa đổi với quan điểm thể chế hóa quy định đưa báo chí lên không gian số để chiếm lĩnh mặt trận thông tin, quản lý báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ.

Báo chí cần tinh gọn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chi phối, đầu tư số bé để có ảnh hưởng số lớn. Báo chí phải gắn với không gian mạng, lên các nền tảng số. Quản lý mạng xã hội, trang thông tin điện tử thì tập trung quản các trang có lượng truy cập lớn để hạn chế ảnh hưởng xấu tới cộng đồng. Phải tận dụng mạng xã hội làm kênh truyền thông cho Nhà nước. 

Quan điểm phát triển đi đôi với quản lý tốt vẫn là định hướng quản lý cơ bản, nhưng cũng cần nhấn mạnh, phát triển thì phải trọng tâm, quản lý phải hài hòa. Trọng tâm là trước đây phát triển là chạy cho thật nhanh, bây giờ là tìm hướng đi gần đích nhất, nhấn mạnh hơn vai trò dẫn dắt của Nhà nước, của chuyển đổi số báo chí. Hài hòa là vì có nhiều cái mới nên phải tìm ngưỡng để quản lý, giữa cái mới và cái cũ.

Ví dụ, cái mới là bùng nổ sáng tạo nội dung đại chúng, cái cũ là sáng tạo nội dung do phương tiện truyền thông Nhà nước làm. Vậy xác định cái nào sẽ là đột phá? Có ngưỡng đột phá đến đâu không? Cái nào bắt buộc phải duy trì? Ngưỡng duy trì thế nào? Sự dẫn dắt của nhà nước, của cơ quan quản lý ngành vì thế đóng vai trò rất quan trọng. 

Quản lý báo chí phải đặt trong hệ sinh thái truyền thông số, không quản chặt cái này, lỏng cái kia, mục tiêu là phát triển báo chí truyền thông để tạo động lực từ sự đồng thuận, khát vọng quốc gia, từ đó tăng năng suất lao động. Báo chí bây giờ phát triển gắn chặt với hệ sinh thái số. Do vậy, quan điểm quản lý phải đổi mới, sáng tạo, sửa đổi chính sách kịp thời, phát huy nguồn lực, bình đẳng trong ngoài, Nhà nước dẫn dắt, hỗ trợ cái lớn.

Cảm ơn ông!

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/bao-chi-phai-gan-voi-cong-nghe-so-chinh-sach-so-quan-ly-so-2349797.html