GD&TĐ -Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã bày tỏ lập trường về khả năng đàm phán với Tổng thống Putin, điều ông Zelensky không muốn thực hiện.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng viên Tổng thống đại diện Đảng Dân chủ có thể thúc đẩy cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga – Ukraine? |
Trong bối cảnh Nga liên tục báo tin chiến thắng từ tiền tuyến ở mặt trận Ukraine, một giải pháp giải quyết cuộc xung đột đang là vấn đề nan giải với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky.
Tại cuộc phỏng vấn với CBS vào đầu tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã bày tỏ quan điểm về khả năng có sự trao đổi trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết cuộc xung đột Ukraine.
Bà đã loại trừ khả năng đàm phán với Tổng thống Nga nếu Ukraine không được tham gia vào tiến trình này.
“Không phải song phương mà không có Ukraine, không. Ukraine phải có tiếng nói trong tương lai của Ukraine”, bà Harris nói.
Việc đối thoại với Tổng thống Nga để giải quyết xung đột bằng biện pháp đàm phán ngoại giao là ý tưởng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhưng theo bà Kamala Harris, đó là dấu hiệu của việc “đầu hàng”.
“Ông ấy nói rằng, ồ, ông ấy có thể kết thúc vào ngày đầu tiên. Bạn biết điều đó là gì không? Đó là về sự đầu hàng”, bà Harris nói.
Bà Harris cho rằng, nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì Tổng thống Putin “đã ngồi ở Kiev ngay bây giờ”.
Vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Putin cho biết Nga đã sẵn sàng tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu đàm phán hòa bình ngay khi Ukraine bắt đầu rút quân khỏi các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye và hủy bỏ kế hoạch gia nhập NATO.
Tuy nhiên, sau đó, ông đã loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán nào miễn là quân đội Ukraine cũng đang chiếm đóng một phần của Vùng Kursk.
Không chỉ có phía Mỹ, ngay cả chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cũng liên tục bác bỏ khả năng “thương lượng” với Nga.
Cuối tuần trước, ông Zelensky khẳng định tiếp tục thực hiện “kế hoạch chiến thắng” với những người ủng hộ từ phương Tây.
Các danh sách mục tiêu mà ông Zelensky đã trình bày ở Mỹ vào tháng trước đã được truyền thông rò rỉ. Bản kế hoạch năm điểm bị rò rỉ cho giới truyền thông bao gồm việc phương Tây tăng cường viện trợ tài chính và kinh tế cho Kiev, kết nạp Ukraine vào NATO và EU, và cho phép tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Các kế hoạch được cho là không gây ấn tượng với giới chức Mỹ ở thời điểm cuộc bầu cử sắp tới và một số quan chức giấu tên đánh giá rằng chúng “khá mơ hồ” và “phần lớn chỉ là một danh sách mong muốn”, Bloomberg trích dẫn.
Phía Kiev cũng đã bày tỏ không có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán theo kiểu hội nghị hòa bình như đã diễn ra vào tháng 6 tại Thụy Sĩ. Tại đó, phía Nga dù là một bên trong cuộc xung đột nhưng không được mời đến. Cuộc hội nghị lần thứ 2 đã được lên lịch vào tháng 11 nhưng đến nay, Ukraine khẳng định sẽ hủy bỏ.
Một trợ lý cấp cao của tổng thống Ukraine Darya Zarivna phát biểu với giới truyền thông hôm 8/10 cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai sẽ không diễn ra vào tháng 11.”
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ The New Yorker vào tháng trước tại phòng tình hình ở Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cho rằng khả năng đàm phán với Nga là không thể.
“Sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên, các đối tác của chúng tôi thấy rằng Nga không chuẩn bị cho bất kỳ cuộc đàm phán nào cả — điều này đã xác nhận thông điệp của tôi với họ và sự nhấn mạnh của tôi rằng nếu không làm cho Ukraine mạnh mẽ, họ sẽ không bao giờ buộc ông Putin phải đàm phán công bằng và trên các điều khoản bình đẳng. Không ai tin tôi. Họ nói, chúng tôi sẽ mời Nga đến hội nghị thượng đỉnh thứ hai và Nga sẽ phải chạy đến thôi.
Vâng, bây giờ chúng tôi đã lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh thứ hai và Nga không có vẻ gì là sẽ chạy đến” – ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn.
Khả năng tiến hành đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine liệu có thể diễn ra với sự hỗ trợ của Tổng thống Mỹ tương lai hay không? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Giaoducthoidai.vn
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/ba-harris-va-du-dinh-bat-ngo-voi-nga-post704005.html