Bạn nghĩ gì nếu Việt Nam là địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga rất được quốc tế trông đợi?
Một Việt Nam đang phát triển, tốc độ tăng trưởng nhanh, trẻ trung, an toàn cả về an ninh, chính trị... là điểm hẹn lý tưởng cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ. (Ảnh: Bạch Dương) |
Sau Tết, chúng tôi có cuộc gặp gỡ thân tình giữa một số người Việt từng học, sinh sống ở nước ngoài với một số bạn thuộc nhiều quốc tịch, đã, đang học tập, công tác, du lịch ở Việt Nam. Chủ đề phong phú, bao gồm cảm nhận về văn hóa, con người, ẩm thực Việt Nam, quan hệ đất nước bạn với mảnh đất hình chữ S và các vấn đề thời sự quốc tế nóng.
Một vấn đề bật lên tự nhiên, bạn nghĩ gì nếu Việt Nam là địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga rất được quốc tế trông đợi. Hiểu nhau, nhiều bạn nói được tiếng Việt, tiếng Anh nên chuyện trò khá cởi mở, rôm rả. Tựu trung, “Vietnam number one”, “Việt Nam là điểm hẹn lý tưởng”, “đất lành chim đậu”... Nổi lên mấy lý do:
Một, Việt Nam là nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng nhanh, trẻ trung, an toàn cả về an ninh, chính trị. Hình ảnh nguyên thủ các nước được người dân chào đón; thoải mái thăm di tích, phong cảnh, đi dạo, thưởng thức văn hóa ẩm thực Việt mà không cần đội ngũ vệ sĩ vây kín là minh chứng đầy sức thuyết phục.
Hai, đất nước, con người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, công lý, người bạn tin cậy, nghĩa tình, chung thủy, tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ba, Việt Nam có quan điểm rõ ràng, cân bằng, khách quan, nhất quán, xây dựng, có lý có tình trong các vấn đề nóng, phức tạp của thế giới, trong đó có xung đột ở Ukraine.
Tại cuộc điện đàm theo đề xuất của Ukraine, chiều 17/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định với Bộ trưởng Ngoại giao Andrii Sybiha, Việt Nam là bạn của Nga và Ukraine; nhấn mạnh các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia các nỗ lực trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho xung đột với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Bốn, Việt Nam là nước duy nhất duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cân bằng, hài hòa với 3 cường quốc là Nga, Trung Quốc và Mỹ, dù giữa họ đang “có vấn đề với nhau”.
Việt Nam chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, chủ động bắc cây cầu hữu nghị vượt qua vực sâu ngăn cách với những nước từng xâm lược mình, để quá khứ đen tối không lặp lại. Mọi vấn đề đều có thể trao đổi, đàm phán nếu thiện chí.
Đó là tinh thần có giá trị cổ vũ giải quyết các khủng hoảng trên thế giới, trong đó có vấn đề Ukraine. Nếu lựa chọn Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, hội nghị quốc tế về giải quyết cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua sẽ vô cùng ý nghĩa, tiếp nối giá trị lịch sử với hiện tại và tương lai.
Năm, trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Donald Trump đã 2 lần đến Việt Nam, dự Tuần lễ cấp cao AFEC và thăm cấp nhà nước (tháng 11/2017) và dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều với nhà lãnh đạo Kim Jong Un (tháng 2/2019). Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhiều lần thăm Việt Nam. Ngày 11/11/2024, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump sau bầu cử, Tổng Bí thư Tô Lâm đã mời Tổng thống Mỹ thăm lại Việt Nam. Ông đã vui vẻ nhận lời.
Nếu hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, cũng không có gì bất ngờ.
Sáu, hiện có một số địa điểm được giới thiệu để tổ chức sự kiện quốc tế quan trọng này. Việt Nam bày tỏ sẵn sàng đăng cai, làm hết sức mình, bảo đảm mọi điều kiện tổ chức hội nghị (nếu được lựa chọn), coi đó là đóng góp cho giải quyết xung đột, khủng hoảng, vì hòa bình, hữu nghị trên thế giới.
Tổng hợp các nhân tố trên, Việt Nam là một điểm hẹn hấp dẫn, có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tạo môi trường thuận lợi cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga hoặc cuộc đàm phán nhiều bên sau thượng đỉnh. Tổ chức tại Hà Nội, sẽ góp phần tăng thêm sức hút của dư luận quốc tế đối với sự kiện.
***
Những người tham gia cuộc trò chuyện thân tình không phải là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, quan chức cấp cao, đại diện quốc gia. Nhưng với sự hiểu biết, chân thành, thẳng thắn, có thể xem như đó là một cuộc thăm dò nhỏ, tiếng nói khách quan về địa điểm phù hợp tổ chức một sự kiện lớn. Việt Nam đã làm hết sức mình. Quyền lựa chọn thuộc về người trong cuộc. Sự ủng hộ quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng.
Nguồn: https://baoquocte.vn/diem-hen-viet-nam-304736.html
Bình luận (0)