Atiso chứa hai hoạt chất quan trọng là cynarin và silymarin, giúp phục hồi chức năng gan, được tìm thấy nhiều trong rễ, thân, lá, hoa.
Ngày 19/5, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết atiso được coi là “thần dược” của gan với công dụng làm sạch các độc tố.
Bên cạnh đó, atiso còn chứa inulin, inulinaza, tanin, các muối hữu cơ của các kim loại kali, canxi, magie, natri, tác dụng hạ cholesterol và urê trong máu, tạo mật, tăng tiết mật, lợi tiểu, thường được làm thuốc thông mật, thông tiểu tiện, chữa các chứng bệnh về gan, thận.
Các thử nghiệm trên động vật và người cho thấy atiso có tác dụng kích thích gan mật, chống sỏi mật, chống ngộ độc gan, hạ lipid máu. Đối với tác dụng chống độc gan, sự hiện diện đồng thời của cynarin, muối khoáng và sesquiterpen lactone giúp tái tạo tế bào gan. Như vậy, những người bị viêm gan siêu vi, ngộ độc gan do dùng nhiều thuốc có hại, mỡ máu cao, tiêu hóa kém do thiếu acid mật nên dùng atiso.
Tuy năng lượng cung cấp rất thấp (40-50 Kcal), ít chất béo và protein, nhưng atiso lại rất giàu vitamin và chất khoáng như kali, phốt pho, canxi, natri, lưu huỳnh và magiê, đặc biệt thích hợp cho người bị đái tháo đường. Hoa cũng giúp thải bớt chất độc cho những người mất cân bằng do uống nhiều rượu.
Theo đông y, lá cây atiso có vị đắng, bộ phận dùng là lá tươi hoặc khô, bông atisô, đem sắc hoặc nấu cao lỏng, với liều 2-10 g lá khô một ngày.
Hoa cây atiso sắc nước uống, dùng dạng tươi (10-20g) hoặc khô (5-10 g) trong các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, sản phụ ít sữa, tiểu đường thống phong, thấp khớp, suy nhược cơ thể.
Tuy nhiên, mọi người nên dùng số lượng vừa phải, nếu sử dụng quá mức sẽ dẫn đến biến chứng hại gan, co thắt cơ trơn của hệ tiêu hóa, chướng bụng, cơ thể mệt mỏi.
Thúy Quỳnh