Hội vật Làng Sình là hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm và phát triển cho đến nay. Hằng năm, hội vật được tổ chức với niềm mong ước dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc muôn người.
Về Huế xem các đô vật nhí tranh tài tại lễ hội vật truyền thống Làng Sình
Thứ sáu, ngày 07/02/2025 13:08 PM (GMT+7)
Hội vật Làng Sình là hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm và phát triển cho đến nay. Hằng năm, hội vật được tổ chức với niềm mong ước dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc muôn người.
Ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại TP Huế đã diễn ra lễ Hội truyền thống vật làng Sình. Đây là hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm và phát triển cho đến nay.
Từ sáng sớm ngày 10 tháng Giêng Âm lịch, không khí lễ hội đã rộn ràng, tiếng trống rộn rã, băng rôn và cờ hoa rực rỡ đầy màu sắc. Người dân và du khách thập phương nô nức đến xem hội, dự hội, sổ vũ cho các sới đấu vật, tạo nên sức nóng của ngày hội.
Những màn đấu vật cân sức giữa các chàng trai to khỏe, lực lưỡng khiến người xem thót tim khi các đô vật liên tục tung ra những đòn, chiêu nhằm hạ gục đối thủ xuống sân cát.
“Lệ” làng Sình cũng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.
Theo các cụ cao niên trong làng, hội vật làng Sình phát sinh từ tinh thần thượng võ của dân tộc, đặc biệt do yêu cầu toàn dân rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị cho lực lượng quân đội của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong. Phần nhiều người ta cho rằng trò vật võ xuất xứ từ hội vua của chúa Nguyễn Phúc Tần hồi cuối thế kỉ XVII.
Ngày xưa, các làng đều tổ chức hội vật, không chỉ vì phủ Chúa, mà chủ yếu để khuyến khích con em rèn luyện sức khỏe phục vụ lao động sản xuất nông nghiệp, cho nên các chức sắc, hương lão đưa vào làm lễ hội hằng năm.
Tại hội vật, người ta không đặt nặng mục đích “ăn thua”, mà chủ yếu góp vui và tế thần (tín ngưỡng). Người dân làng Sình có câu thơ lục bát để nhắc nhở con cháu quê hương mình rằng: “Dù ai đi đó đi đây/Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình”.
Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt…
Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Luật quy định: phải đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng” đồng thời giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng.
Nếu vượt qua vòng đấu loại với đô vật, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua một đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết.
Khán giả chăm chú theo dõi màn thi đấu của các đô vật.
Hai đô vật nhí tranh tài gây cứng trên sàn đấu.
Tuy chưa phải là vật chuyên nghiệp, nhưng các cuộc tranh tài cũng rất sôi nổi với tiếng hò reo cổ vũ xen tiếng trống thúc vang dội trên một khúc sông trước đình. Có thể nói, hội vật làng Sình ở TP Huế lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô.
Viết Niệm
Nguồn: https://danviet.vn/ve-hue-xem-cac-do-vat-nhi-tranh-tai-tai-le-hoi-vat-truyen-thong-lang-sinh-20250207114606726.htm
تعليق (0)