Thư pháp - Cho chữ đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa ngày xuân của người Việt. Hình ảnh “ông đồ” ngồi cho chữ đã trở nên quen thuộc mỗi dịp Tết đến. Ý nghĩa của việc xin chữ đầu năm là mong muốn một năm may mắn, bình an và phúc lộc thọ tràn ngập với bản thân cũng như gia đình.
Hoạt động vẽ tranh cũng thu hút nhiều du khách với mong muốn ghi lại kỷ niệm ngày đầu năm qua bàn tay tài hoa của người họa sĩ.
Chương trình hô hát bài chòi thu hút nhiều người dân, du khách đến trải nghiệm. Bài chòi là sản phẩm văn hóa có tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của thành phố. Đây cũng là trò chơi dân gian mộc mạc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư. Trải qua thời gian, Bài chòi vẫn giữ cho mình tính bình dân, gắn liền với đời sống của người lao động. Hiện nay, trò chơi dân gian này rất phổ biến ở các địa phương trên địa bàn thành phố, không chỉ gói gọn trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng Giêng trong các lễ hội truyền thống lớn nhỏ.
Trong các đêm diễn, các nghệ sĩ, diễn viên mang đến cho người xem những tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, hô bài chòi lời cổ và lời mới ca ngợi về quê hương, con người Đà Nẵng.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đường hoa Xuân Đà Nẵng cũng là địa điểm thu hút đông đảo người dân, du khách trong dịp Tết này với nhiều tạo hình linh vật ấn tượng, đặc sắc.
HỒNG QUÂN - NHẬT THUẬN
Nguồn: https://www.danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=62597&_c=3
تعليق (0)