Gian trưng bày dải sản phẩm xe điện hoàn chỉnh của VinFast tại Triển lãm BIMS 2024. Ảnh: Đỗ Sinh/PV TTXVN tại Thái Lan |
Hành trình vượt khó để đưa hàng Việt đi xa là những câu chuyện truyền cảm hứng. Những thương hiệu như VinFast, Hòa Phát, Viettel, Vinamilk, GrowMax … đã từng bước gia tăng thị phần nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và góp phần cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Là công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, Vinfast với tầm nhìn trở thành thương hiệu xe điện thông minh hiện không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà còn tạo bước tiến ra thị trường quốc tế. Vào tháng 8/2023, VinFast đã xuất khẩu hơn 1.000 xe VF34 sang Indonesia và tháng 10/2024 xuất khẩu lô xe điện sang Philippines với các dòng xe VF e34, VF5 và VF9. Đây là bước tiến của VinFast trong việc mở rộng thị trường quốc tế và khẳng định khả năng cạnh tranh tại Đông Nam Á.
Theo kế hoạch, VinFast sẽ mở rộng hoạt động tại tối thiểu 50 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang mạnh mẽ tiến ra những quốc gia láng giềng khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines cùng khu vực Trung Đông và châu Phi. Ngoài Việt Nam, VinFast cũng xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Mỹ, Ấn Độ và sẽ xây nhà máy tại Indonesia.
Tương tự, Công ty cổ phần Bibica không chỉ là “thương hiệu quốc dân” với người tiêu dùng Việt, mà còn dần được người tiêu dùng thế giới đón nhận, sản phẩm xuất khẩu đến 17 thị trường gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan…
Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica cho hay: Hơn 25 năm thăng trầm, từng đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, Công ty cổ phần Bibica đã khẳng định sức sống bền bỉ và đưa sản phẩm đến với 17 thị trường nước ngoài; trong đó, có Thái Lan, Philippines, Singapore, Mongolia… Mới đây, tiếp đà tăng trưởng ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Công ty đã đưa bánh kẹo Việt Nam thâm nhập vào hệ thống Walmart tại Trung Quốc.
Dù không có lợi thế về nguyên liệu đầu vào như bơ, sữa, bột mì… nhưng doanh nghiệp Việt biết tạo lối riêng, tận dụng nguồn nông sản nhiệt đới và thương hiệu quốc gia, nghiên cứu sản phẩm bánh quy, bánh dừa giòn được thị trường đón nhận tích cực. Hòa cùng sự chuyển động sôi nổi của ngành bánh kẹo, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của công ty ước đạt 5-5,5 triệu USD, tăng 25-35% so với năm 2023 và chiếm 8% trong tổng doanh thu của công ty.
“Xác định xuất khẩu là mảng quan trọng và là động lực tăng trưởng trong tương lai, Bibica đặt mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu sẽ chiếm tỷ trọng 20% trong cơ cấu doanh số và kế đó là tiếp tục hiện thực hóa khát vọng lan tỏa thương hiệu”, ông Nguyễn Quốc Hoàng bộc bạch.
Thành công trong việc chuyển hướng từ xuất khẩu điều nhân sang hạt điều chế biến, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) đã có nhiều sản phẩm lọt Top 100 hạt điều bán chạy nhất sàn thương mại điện tử Amazone. Khởi điểm từ hạt điều tẩm vị, Lafooco lấn sân thêm vào các loại hạt nhập khẩu trực tiếp từ trang trại uy tín tại Hoa Kỳ như hạnh nhân, óc chó, dẻ cười... sau khi ký kết hợp tác dài hạn với chuỗi siêu thị lớn như Vanguard (Trung Quốc), Sungiven (Trung Quốc), T&T (Canada).
Hiện tại, Lafooco đã và đang mở rộng quy mô phát triển dòng sản phẩm trái cây như dứa sấy dẻo, xoài sấy dẻo, trái cây - rau củ chiên chân không. Đáng lưu ý, sản phẩm Lafooco đã có mặt tại hơn 16 quốc gia như: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, UAE, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Australia, New Zealand… và dự kiến sẽ mở rộng thêm thị phần tại Singapore.
Góp mặt cùng các thương hiệu đưa hàng Việt ra biển lớn, khu vực hợp tác xã cũng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo bước đột phá trong sản xuất kinh doanh.
Nhiều năm nay sản phẩm mỳ Chũ luôn là niềm tự hào của mỗi người con quê hương Lục Ngạn (Bắc Giang). Với sự hoà quyện giữa gạo và nguồn nước vùng núi đồi sông Lục, món ăn dân dã ấy không chỉ phổ biến trong ẩm thực địa phương mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Đây còn là món ngon với giá bình dân mà nhiều gia đình Việt ưa chuộng mỗi khi Tết đến Xuân về.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể, xã Nam Dương, Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết: Để sản phẩm đạt chuẩn trong tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, ngoài khâu lựa chọn nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, hợp tác xã đã đầu tư công nghệ mới vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, xã viên cũng chủ động được sản lượng cung cấp ra thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, trung bình mỗi ngày hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ từ 3,5 đến 4 tấn sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm của hợp tác xã được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia; sản phẩm nông nghiệp cấp khu vực; 2 sản phẩm mỳ được cấp chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.
Hiện tại, sản phẩm của hợp tác xã đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và một số nước châu Âu như Nga, Anh, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan.... Ngoài ra, hợp tác xã đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.
Nhằm tiếp sức cho hành trình vạn dặm, các chuyên gia cho rằng: Việc đổi mới công nghệ, sáng tạo trong sản xuất là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng và xứng đáng là cánh chim đầu đàn giúp hàng Việt nâng tầm trên bản đồ thế giới.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/hang-viet-tu-lang-ra-bien-150490.html
تعليق (0)