Các nhà khoa học Anh sẽ thử nghiệm loại vaccine điều trị ung thư ruột đầu tiên trên thế giới, dự kiến ra mắt trong hai năm tới nếu thành công.
Nghiên cứu do Đơn vị Thử nghiệm Lâm sàng Southampton thuộc Cơ quan Ung thư Vương quốc Anh phối hợp với Royal Surrey và Bệnh viện Queen Elizabeth ở Australia thực hiện. Dự kiến có 10 địa điểm đăng ký thử nghiệm, trong đó 6 điểm ở Australia, 4 điểm ở Anh, với 44 bệnh nhân được ghi danh nghiên cứu trong khoảng thời gian 18 tháng.
Vaccine sẽ được sử dụng cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật, giúp cơ thể tấn công ngược lại khối u ung thư. Điều này giúp các cuộc phẫu thuật của bệnh nhân ít xâm lấn hơn. Các nhà khoa học cũng hy vọng vaccine có thể hỗ trợ hệ miễn dịch phản ứng nếu tế bào ung thư tái phát sau đó.
“Đây là loại vaccine đầu tiên cho một bệnh ung thư đường tiêu hóa. Chúng tôi mong rằng nó sẽ thành công, bệnh ung thư hoàn toàn biến mất sau điều trị”, tiến sĩ Dhillon nói.
Để tham gia thử nghiệm, bệnh nhân sẽ được nội soi và lấy mẫu mô nhằm kiểm tra điều kiện sức khỏe. Nếu đủ điều kiện, họ được tiêm ba liều vaccine trước khi phẫu thuật loại bỏ ung thư.
Sau khi thử nghiệm giai đoạn một kết thúc, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu giai đoạn hai và nộp đơn xin cấp phép. Nếu kết quả khả quan, các nhà nghiên cứu tin rằng vaccine sẽ được cấp phép sử dụng trong vòng hai năm.
Tiến sĩ Dhillon gọi vaccine là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư. Vaccine giúp hệ miễn dịch “truy đuổi” bệnh ung thư. Nó sẽ thay đổi cuộc sống vì giúp bệnh nhân hồi phục mà không cần phẫu thuật.
Ung thư ruột xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong ruột già, gồm cả ruột kết và trực tràng. Độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào kích thước khối u, khả năng lan rộng và sức khỏe chung của người bệnh.
Các triệu chứng lâm sàng của ung thư ruột là phân mềm hơn, tiêu chảy, táo bón, có máu trong phân, chảy máu hậu môn, thường xuyên có cảm giác muốn đại tiện, đau bụng.
Thục Linh (Theo Clinical Services Journal, Independent, NHS)