Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát giá lương thực đang gây những tác động sâu sắc tới nền kinh tế Ấn Độ.
Động thái trên được cho sẽ làm giảm bớt phần nào gánh nặng cho những người nghèo tại Ấn Độ, nhưng lại báo hiệu những diễn biến khó lường tới thị trường lương thực toàn cầu, khi Ấn Độ là nhà xuất khẩu nhiều nông sản quan trọng như gạo, lúa mì, đường hay hành… thuộc top đầu thế giới.
Chương trình cung cấp lương thực miễn phí hoặc bán với giá đặc biệt ưu đãi cho những người nghèo tại Ấn Độ được triển khai kể từ giai đoạn đại dịch Covid-19 năm 2020. Trong động thái mới nhất, Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ gia hạn chương trình này thêm 5 năm, một bước đi được mô tả là nhằm đảm bảo “bếp lò có thể tiếp tục cháy” trong nhà của khoảng 800 triệu người dân nước này.
Theo tính toán, với mức giá thu mua hiện nay, chương trình dự kiến sẽ tiêu tốn tới 2.000 tỷ Rupee (tương đương khoảng 25 tỷ USD) mỗi năm cho ngân sách của Ấn Độ.
Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì và gạo lớn thứ hai thế giới, đã hạn chế xuất khẩu cả hai loại ngũ cốc để kiềm chế giá lương thực trong nước tăng cao.
Một đại lý của công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai cho biết chính phủ sẽ buộc phải tiếp tục duy trì các hạn chế xuất khẩu thêm một thời gian nữa, vì họ cần thu mua ngũ cốc từ nông dân để thực hiện chương trình.
“Nếu không có hạn chế xuất khẩu, giá ngũ cốc trong nước sẽ tăng cao hơn giá sàn do chính phủ quy định và họ sẽ không thể mua đủ”, người này nói thêm.
Sản lượng gạo của Ấn Độ được cho là sẽ giảm trong năm 2023, lần đầu tiên sau 8 năm. Điều này càng làm gia tăng khả năng Ấn Độ sẽ tiếp tục thắt chặt xuất khẩu gạo, trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ đang tới gần.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), động thái hạn chế xuất khẩu gạo hồi tháng 7/2023 của Ấn Độ đã khiến giá gạo thế giới tăng cao kỷ lục trong 15 năm qua. Hồi tháng 5/2022, Ấn Độ cũng từng bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mì sau khi đợt nắng nóng khiến sản lượng nông sản này giảm.
Minh Hoa (t/h theo VTV, Nông Nghiệp Việt Nam)