Rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, đậu giàu chất xơ, kali và nhiều dưỡng chất khác góp phần ổn định huyết áp và đường huyết.
Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương mạch máu, làm cho động mạch nhỏ hơn và tích tụ mảng bám. Lúc này tim phải bơm máu nhiều hơn, dẫn đến tăng huyết áp. Người mắc hai bệnh này cần ăn uống lành mạnh để kiểm soát các chỉ số đường huyết và huyết áp, giảm nguy cơ biến chứng.
Trái cây, rau tươi
Trái cây và rau quả cung cấp vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất xơ cho cơ thể. Một số có thể ổn định đường huyết đồng thời hạ huyết áp.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị người bệnh ăn các loại rau ít đường và tinh bột nhưng giàu chất xơ như bông cải xanh, măng tây, súp lơ trắng. Chúng làm chậm khả năng chuyển hóa thức ăn thành glucose (đường), ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng cao.
Thực phẩm giàu chất xơ còn loại bỏ cholesterol trong máu, từ đó giảm huyết áp lẫn tình trạng viêm nhiễm. Ăn nhiều chất xơ tạo cảm giác no lâu, giúp người bệnh tiểu đường ít đói.
Các loại rau, trái cây nhiều tinh bột như bí, khoai tây, khoai lang tiêu thụ ở mức vừa phải, nếu quá nhiều có thể làm tăng đường huyết.
Các loại đậu
Đậu xanh, đậu đỏ, đậu Hà Lan, đậu tương giàu vitamin B, khoáng chất có lợi như protein, kali, magiê và chất xơ. Kali giúp duy trì huyết áp, magiê ổn định nhịp tim, đều có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chúng cũng có chỉ số đường huyết thấp, lành mạnh cho người tiểu đường.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh ít calo, carbohydrate không ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu. Rau bina, cải xoăn và một số rau lá xanh khác cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất. Vitamin C hoạt động như chất chống oxy hóa, hỗ trợ giảm viêm và tổn thương tế bào.
Protein nạc
Tăng lượng protein nạp vào có thể giảm huyết áp. Thực phẩm giàu protein như thịt gia cầm, hải sản, đậu phụ không chứa hoặc ít carbohydrate, phù hợp cho người tiểu đường.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) lưu ý hạn thịt mỡ bò và cừu, thịt gia cầm có da vì chứa chất béo bão hòa, có liên quan đến bệnh tim. Thay vào đó, nên chọn thịt gà trắng, gà tây không da. Các nguồn protein nạc khác như cá, đậu phụ cũng thân thiện với người bệnh. Isoflavone trong đậu phụ còn hỗ trợ hạ huyết áp.
Các loại hạt
Các loại hạt giàu protein, chất béo lành mạnh nhưng lại ít carbohydrate, giúp no lâu. Các loại hạt, nhất là hạt lanh, còn chứa khoáng chất góp phần điều hòa huyết áp. Một số loại rang sẵn có thể ướp thêm muối ảnh hưởng đến huyết áp. Do đó, người bệnh cần hạn chế khẩu phần ở mức vừa phải.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt chủ yếu được tạo thành từ carbohydrate nhưng chúng vẫn lành mạnh với người bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, quinoa, kiều mạch, lúa mạch) giữ nguyên lượng chất xơ, các vitamin và khoáng chất; không giống ngũ cốc tinh chế (bánh mì trắng, gạo trắng) đã bỏ hầu hết giá trị dinh dưỡng.
Bảo Bảo (Theo Livestrong, Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |