Viêm ruột, táo bón, hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại trực tràng chảy máu là những bệnh thường xảy ra ở đường ruột.
Ruột là một phần của ống tiêu hóa kéo dài từ dưới dạ dày đến hậu môn, bao gồm ruột non (tiểu tràng) và ruột già (đại tràng). Cơ quan này đảm nhận chức năng vận chuyển, tiêu hóa thức ăn, chống lại các vi sinh vật và kiểm soát lượng nước trong cơ thể.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số tình trạng, bệnh lý thường xảy ra ở đường ruột bao gồm:
Viêm ruột là tình trạng nhiễm trùng đường ruột xảy ra do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng tấn công. Triệu chứng thường kéo dài khoảng 10 ngày, chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, sốt…
Người bệnh nên uống đủ nước, bù chất điện giải để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng. Tùy vào từng nguyên nhân, triệu chứng cụ thể, bác sĩ chỉ định thuốc không kê đơn để giảm viêm.
Táo bón là tình trạng đường tiêu hóa không thể đào thải phân ra ngoài, xảy ra do chế độ ăn uống thiếu chất xơ, thiếu nước, rối loạn nội tiết tố, tác dụng phụ của thuốc hoặc lối sống ít vận động. Táo bón xảy ra phổ biến ở người già và trẻ nhỏ.
Để phòng ngừa táo bón, mọi người nên ăn nhiều chất xơ, sữa chua chứa lợi khuẩn, uống nhiều nước, tập thể dục đều đặn. Khi người bệnh táo bón nghiêm trọng, bác sĩ chỉ định uống thuốc nhuận tràng và thực phẩm bổ sung chất xơ giúp cải thiện triệu chứng.
Hội chứng ruột kích thích là nhóm các triệu chứng bệnh xảy đồng thời, tái phát nhiều lần, làm thay đổi nhu động ruột, gây tiêu chảy, táo bón, đau quặn bụng, đại tiện không đều đặn.
Hội chứng này phổ biến ở nữ giới, không có nguyên nhân rõ ràng, không đi kèm bất kỳ dấu hiệu tổn thương nào ở đường ruột. Căng thẳng kéo dài, tâm lý lo lắng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích. Xây dựng lối sống cân bằng, tăng cường vận động thể chất và sinh hoạt điều độ giúp ngăn ngừa bệnh.
Viêm loét đại tràng chảy máu gây ra triệu chứng đau bụng, đại tiện phân nhầy, lẫn máu. Bệnh này liên quan trực tiếp đến hệ thống miễn dịch, khi cơ thể tự gây tổn thương tại lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc của đại tràng.
Sau khi điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ không hiệu quả, người bệnh có thể được phẫu thuật.
Bệnh Crohn gây viêm mạn tính ở đường tiêu hóa, được xếp vào nhóm bệnh viêm ruột mạn tính cùng với viêm loét đại tràng chảy máu. Viêm ruột có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa nhưng chủ yếu gây tổn thương phần cuối ruột non và vị trí nối với ruột già.
Tổn thương do bệnh Crohn gây nên có thể tiến sâu, lan vào lớp cơ hoặc toàn bộ các lớp trên thành ruột. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đại tiện phân lỏng lẫn máu, sốt…
Bác sĩ thường kê thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid trong giai đoạn cấp, áp dụng liệu pháp sinh học hoặc phẫu thuật cho người bệnh.
Ung thư đại trực tràng khá phổ biến, là bệnh ác tính thường gặp ở người trên 50 tuổi, có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên đại tràng và trực tràng. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm béo phì, thừa cân, uống rượu và hút thuốc lá thường xuyên, ít vận động, ăn nhiều thịt đỏ, thịt chứa chất bảo quản.
Tùy thuộc vào kích thước, vị trí khối u và giai đoạn bệnh, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, trong đó phổ biến nhất là phẫu thuật.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo người bệnh chủ động phòng ngừa các bệnh đường ruột ngay từ sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Biện pháp quan trọng ăn uống giàu chất xơ, bổ sung đủ chất đạm (từ cá), chất béo, tinh bột trong thực đơn hàng ngày, không ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ… Ngoài ra, uống nhiều nước, ngủ đúng giờ, đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, duy trì tâm trạng thư giãn, thoải mái, bỏ hút thuốc lá cũng hữu ích.
Một số trường hợp nghiêm trọng có thể diễn tiến thành nhiều biến chứng nguy hiểm về sau. Bác sĩ Khanh khuyến cáo người có bất thường về đường ruột nên chủ động theo dõi, đi khám thường xuyên.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |