Để kiểm soát tốt tình trạng thoái hóa cột sống thắt lưng, ngoài việc chú ý ăn uống, người bệnh cũng cần thường xuyên vận động với chế độ phù hợp.
Thoái hóa cột sống lưng là tình trạng đau ở vùng lưng dưới, mông, bẹn và sau đùi. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh sẽ ảnh hưởng đến bắp chân, cẳng chân và cả bàn chân. Nhiều người cho rằng khi mắc những bệnh lý về thoái hóa cột sống, người bệnh nên hạn chế vận động, tránh tập luyện để giảm đau nhức. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm.
BS.CKI Đỗ Thị Hồng Ánh, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lười vận động sẽ khiến các cơ dần bị co cứng, dẫn tới suy giảm cơ bắp. Điều này khiến cho thương tổn ở vùng cột sống ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoạt động hàng ngày.
Khi mắc các bệnh lý về thoái hóa cột sống lưng, khả năng chịu lực của cột sống đã bị suy giảm mạnh nên người bệnh rất dễ gặp phải tổn thương nếu bị tác động lực. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên chọn các bài tập thể dục nhẹ nhàng, không tác dụng lực quá nhiều lên cột sống. Một số bài tập phù hợp với người thoái hóa cột sống lưng như:
Kéo giãn cơ lưng
Bắt đầu với tư thế nằm ngửa, 2 chân duỗi thẳng trên sàn. Sau đó co 1 chân lên, dùng 2 tay ôm gối và kéo sát về phía ngực, hít một hơi sâu. Sau đó duỗi thẳng chân về tư thế ban đầu và nhẹ nhàng thở ra. Thực hiện tương tự với chân còn lại.
Nâng đầu gối ngang ngực
Người bệnh nằm ngửa, đầu gối co lại, lòng bàn chân đặt trên mặt sàn. Sau đó ôm 2 đầu gối và kéo lên ngang ngực, sao cho lưng vẫn áp sát xuống mặt sàn, giữ tư thế này trong khoảng 5 giây. Thư giãn và trở về tư thế ban đầu, lặp lại động tác này 10 lần.
Căng gân kheo
Bắt đầu bài tập ở tư thế ngồi trên mặt đất, duỗi thẳng 2 chân ra trước mặt, ngón chân hướng lên trần nhà. Nhẹ nhàng nghiêng người về phía trước, tay chạm tới các ngón chân và cảm thấy phần sau của chân được kéo căng. Giữ trong 30 giây, sau đó trở về tư thế ban đầu. Lặp lại động tác này 3 lần.
Tư thế châu chấu
Bắt đầu bài tập với tư thế nằm sấp trên sàn, nghiêng mặt sang trái hoặc phải, 2 tay đặt xuôi dọc theo cơ thể, lòng bàn tay úp xuống sàn và 2 chân khép lại, thở đều. Giữ nguyên chân trái và nâng chân phải lên cao. Giữ tư thế này trong khoảng 5 giây, sau đó hạ chân xuống. Hít thở đều và nghỉ ngơi trong 5 giây. Sau đó thực hiện tương tự với chân còn lại.
Giữ cân bằng
Người bệnh chống 2 tay và quỳ gối, 2 mu bàn chân áp sát xuống sàn. Giữ sao cho đầu, lưng và cột sống thẳng hàng. Sau đó đưa tay phải về trước, đồng thời duỗi chân trái ra sau và hít sâu vào. Hạ tay chân xuống, trở về tư thế ban đầu và thở ra nhẹ nhàng. Thực hiện tương tự với bên còn lại.
Bác sĩ Hồng Ánh chia sẻ, vận động thường xuyên sẽ giúp hệ thống xương khớp linh hoạt, dẻo dai và chắc khỏe hơn. Ngoài ra, các bài tập này còn giúp kéo giãn cột sống, giảm đau nhức xương khớp hiệu quả. Người bệnh sẽ thấy tinh thần trở nên minh mẫn và sảng khoái hơn.
Tuy nhiên, để các bài tập phát huy hiệu quả tích cực, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện. Trong quá trình tập luyện, cần lưu ý khởi động đầy đủ, không tập quá sức, nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt. Người bệnh cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn…
Phi Hồng