Nghệ nhân biểu diễn các giá đồng. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
ZaloFacebookTwitterBản inCopy link
Tối 10/2, tại di tích đền Hạ, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Lục Nam tổ chức Liên hoan “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Bắc Giang mở rộng lần thứ VI năm 2025.
Liên hoan là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong đời sống đương đại. Đồng thời, là dịp để những người thực hành di sản có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Trương Quang Hải, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan, cho biết từ bao đời nay, Bắc Giang là một trong những địa phương sở hữu di sản văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đã được các thế hệ nghệ nhân quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng.
Ngày 1/12/2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân tỉnh Bắc Giang nói riêng, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm to lớn với các cấp, các ngành và cộng đồng có di sản trong việc bảo tồn và phát huy di sản đã được quốc tế ghi danh.
Nghệ nhân biểu diễn các giá đồng. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
Định kỳ tổ chức 2 năm/lần, từ năm 2015-2023, tỉnh Bắc Giang đã 5 lần tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo những người yêu thích "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt."
Thực hiện Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Liên hoan “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Bắc Giang mở rộng năm 2025 tuân thủ các nguyên tắc như: Đảm bảo giữ gìn giá trị của di sản với các hình thức thể hiện, hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật và không gian thực hành; không phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản; không lợi dụng thực hành di sản và danh hiệu của di sản để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi, hoạt động trái pháp luật…
Tham dự Liên hoan có 17 nghệ nhân (thanh đồng) đến từ các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Lạng Sơn, Bắc Giang (trong đó có 5 Nghệ nhân Ưu tú). Mỗi nghệ nhân thực hành từ 2-3 giá hầu đồng có nội dung ca ngợi thần linh, Thánh Mẫu và các anh hùng có công với dân tộc.
Trong khung cảnh trang nghiêm, với sự chuẩn bị công phu, các nghệ nhân tham gia Liên hoan mang đến những giá đồng được thể hiện theo đúng nghi thức truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng, thu hút đông đảo người xem như các giá đồng: Quan Hoàng Mười, Cô Bé Thượng Ngàn, Quan lớn Đệ Tam (hoặc Quan Lớn Tuần Tranh), giá Chầu Lục...
Liên hoan diễn ra đến ngày 11/2./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-trong-doi-song-post1011632.vnp
Bình luận (0)