Tại buổi gặp mặt, những người tham dự cùng ôn lại bối cảnh, diễn biến, kết quả, ý nghĩa to lớn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 70 năm trước; nhìn nhận chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca bất hủ, bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình Vũ Thanh Vân, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được Trung ương giao nhiệm vụ, Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, tăng cường lãnh đạo nhân dân trong tỉnh tích cực, chủ động phục vụ chiến trường bằng tất cả tinh thần, sức lực, của cải.
“Ở khắp mọi nơi trong tỉnh, nhân dân Thái Bình đã nghe theo tiếng gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bom đạn của địch, huy động sức người, sức của cho mặt trận, sẵn sàng hy sinh, tham gia chiến đấu tiêu diệt quân thù”, ông nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, trong những ngày tháng gian khổ ấy, từ tháng 2 đến tháng 5/1954, tỉnh Thái Bình đã bổ sung cho bộ đội chủ lực gần 3.000 người; hàng nghìn dân công; huy động hàng trăm phương tiện, hàng nghìn ngày công để gánh gạo vượt sông Hồng, sông Đáy đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh đã nhận được hàng vạn lá thư, hàng chục nghìn gói vật phẩm để gửi tới chiến sỹ Điện Biên Phủ. Chỉ riêng các khoản thuế quy ra thóc, từ năm 1951 đến tháng 6/1954 tỉnh Thái Bình đã đóng góp cho nhà nước 63.000 tấn. Có hàng nghìn chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xung phong lên đường, trực tiếp tham gia chiến dịch. Trong số đó, có 2.538 người đã phải để lại một phần xương máu ở chiến trường, 268 người đã anh dũng hy sinh…”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình dẫn lại thống kê.
Thế hệ người Thái Bình hôm nay cũng rất tự hào khi 70 năm trước, một trong những người con quê hương trực tiếp tham gia chiến dịch là Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật (quê xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) chính là người đã dũng cảm, dẫn đầu Tổ xung kích xông vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ Bộ tham mưu vào 17h30 ngày 7/5.
“Với những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đã góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm chân, chấn động địa cầu”, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”, ông Vũ Thanh Vân nhìn nhận.
Tại buổi gặp mặt, thay mặt các chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham dự, ông Phạm Bình Hãn (89 tuổi, hiện trú tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) bày tỏ niềm hạnh phúc trước sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong tỉnh tới những người năm xưa tham gia chiến dịch, cả về vật chất và tinh thần; bày tỏ niềm hạnh phúc khi tuổi đời đã cao nhưng qua buổi gặp mặt vẫn có dịp được nhìn, được gặp lại những người đồng đội năm xưa cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử…
Cũng tại buổi gặp mặt, đại diện thế hệ trẻ tỉnh Thái Bình ngày nay phát biểu bày tỏ sự tri ân thế hệ ông cha đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để thế hệ ngày nay được sống trong hòa bình.
Nhân dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cộng đồng khu dân cư trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chung tay chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, làm cho mỗi gia đình người có công “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”…