Khoảng 1,8 triệu trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thấp còi, trong đó 230.000 bé suy dinh dưỡng cấp tính, 90% không được chẩn đoán, điều trị.
Đây là khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), được các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị chuyên đề Dinh dưỡng diễn ra từ ngày 2/6 đến 5/6 ở Tây Ban Nha. Theo đó, hiện 1,8 triệu trẻ Việt dưới 5 tuổi bị thấp còi, tức là cứ 5 trẻ thì có một em ở tình trạng này. Trong đó, 230.000 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính có nguy cơ tử vong vì các bệnh thông thường cao gấp ít nhất 12 lần, chưa kể chi phí cho y tế khi bị bệnh phải nhập viện. Đến 90% các em chưa được chẩn đoán và điều trị.
Suy dinh dưỡng cấp tính là tình trạng cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu, có thể gây còi cọc hoặc phù. Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính có nguy cơ tử vong cao gấp 5-20 lần so với trẻ bình thường.
Đến nay chưa có nghiên cứu nào khác về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cấp tính tại Việt Nam. Theo Bộ Y tế, những năm qua Việt Nam đã cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm trong vòng 20 năm qua, từ hơn 56% năm 1990 xuống còn gần 20% năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng, sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn so thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là hơn 37% và Tây Nguyên gần 29%. Hơn 31% trẻ em dân tộc thiểu số bị thấp còi, cao gấp hai lần nhóm trẻ là người Kinh (15%).
Bà Ann Smith, đồng lãnh đạo Trung tâm Giải pháp chống suy dinh dưỡng của Abbott, nhận định: “Thấp còi, còn gọi suy dinh dưỡng mạn tính, đang là mối quan ngại sâu sắc tại Việt Nam, ảnh hưởng đến tầm vóc và sức khỏe trẻ nhỏ”, bà Ann nói.
Suy dinh dưỡng cũng là mối đe dọa tại nhiều nước. Năm 2022, ít nhất 30% trẻ em tại 28 quốc gia bị thấp còi. Nam Á là khu vực có tỷ lệ trẻ gầy còm ở mức cao nhất thế giới. Ở Mexico, cứ 8 trẻ dưới 5 tuổi thì có một em suy dinh dưỡng mạn tính, chủ yếu ở các bang phía Nam và nông thôn. Colombia có hơn nửa triệu trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng mạn tính, còn Ecuador 23%.
Bà Ann cho biết quan niệm sai lầm phổ biến rằng thiếu hụt dinh dưỡng là do cơ thể không nạp đủ calo. Trên thực tế, thiếu hụt dinh dưỡng có nhiều dạng và không phải lúc nào cũng dễ chẩn đoán. Ví dụ, thể gầy còm (cân nặng thấp so với chiều cao), thấp còi (chiều cao thấp so với tuổi) và thừa cân (cân nặng trên mức bình thường so với chiều cao hoặc tuổi).
Một khảo sát do YouGov thực hiện với hơn 1.000 phụ huynh ở Mỹ, cho thấy có lỗ hổng trong hiểu biết của cha mẹ về vấn đề suy dinh dưỡng. Chỉ 29% phụ huynh tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về tình trạng suy dinh dưỡng ở con trẻ. 59% phụ huynh quen thuộc với thuật ngữ “thấp còi” và 64% biết về “gầy còm”.
Nhiều cha mẹ bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo quan trọng. Hơn 47% cha mẹ không nhận thấy sự liên hệ giữa suy dinh dưỡng và 10 triệu chứng của nó theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới và Dịch vụ Y tế Quốc gia, ví dụ giảm cảm giác thèm ăn, luôn cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy yếu hơn, các vấn đề về hành vi và cảm xúc…
Đầu năm nay, Liên Hợp Quốc coi suy dinh dưỡng là mối đe dọa tới sức khỏe và sự phát triển lâu dài của trẻ em, kêu gọi hành động khẩn cấp giải quyết vấn đề này. Song, các chuyên gia cho rằng để cải thiện dinh dưỡng đòi hỏi sự tham gia của phụ huynh, cộng đồng, địa phương và quốc gia.
Dịp này, CLB Real Madrid, Quỹ Real Madrid và Abbott hợp tác khởi động Chiến dịch đẩy lùi suy dinh dưỡng toàn cầu. Chiến dịch nhằm cung cấp công cụ sàng lọc suy dinh dưỡng cho các địa phương, tài trợ chương trình chống suy dinh dưỡng tại trường thể thao, xã hội trực thuộc Quỹ Real Madrid.
Công cụ sàng lọc này là thước đo Chu vi vòng giữa cánh tay MUAC z-score – một dụng cụ giúp phát hiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. TS.BS Susan Abdel-Rahman, người phát minh thước đo, cho biết dụng cụ đơn giản để cha mẹ có thể sử dụng tại nhà cho trẻ em từ hai tháng đến 18 tuổi nhằm xác định con em đang bị dư thừa hay thiếu hụt dinh dưỡng. Dự kiến, 10.000 thước đo được tặng cho các cộng đồng đang cần, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 19%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 10,5%. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế vận động thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ bao gồm: Chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Lê Nga